Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Dùng quạt điện khi ngủ hại sức khỏe

[VnExpress, 25/7/2012] - Nhằm tiết kiệm năng lượng, ngày càng nhiều gia đình sử dụng quạt điện thay vì máy điều hòa không khí để làm mát. Đặc biệt vào mùa hè, thời tiết oi bức nên mọi người thường đặt quạt thật gần mình trong lúc ngủ. Tuy nhiên nghiên cứu mới đây cảnh báo tình trạng này kéo dài có thể gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe cho người sử dụng.

Phản ánh về việc này, một khách hàng 35 tuổi ở Tokyo (Nhật) cho biết, từ khi còn nhỏ chị đã dùng quạt máy khi ngủ. Các vấn đề sức khỏe bắt đầu vào mùa hè năm ngoái, sau một một đêm ngủ như vậy, lúc tỉnh dậy chị cảm thấy nửa thân dưới lạnh toát, nhất là bàn chân, kèm theo cảm giác mệt mỏi, khát nước, chóng mặt và chán ăn. Tình trạng này kéo dài trong khoảng 4 giờ liền.

"Năm nay tôi định sẽ tiếp tục dùng quạt để tiết kiệm điện, nhưng đã đến lúc tôi phải sử dụng nó một cách khôn ngoan hơn", chị nói trên trang Yourhealth.

Có đến 53% trong số 1.000 người tham gia một cuộc thăm dò ý kiến cho biết họ từng gặp phải những vấn đề về sức khỏe mà nghi ngờ nguyên nhân là do sử dụng quạt điện. Tất cả những người này đều có dùng quạt điện, thậm chí dùng nhiều giờ liền khi ngủ. Trong số này, hơn một nửa nói là cảm thấy mệt mỏi, còn lại bị khô da, khô cổ họng và cảm giác cơ thể lạnh toát. Cuộc khảo sát trên được thực hiện bởi Realfleet Co, một công ty bán các thiết bị gia dụng có trụ sở tại Tokyo.

Bác sĩ Osamu Nishizaki, Giám đốc viện Nishizaki ở Chuo Ward, Tokyo lý giải: "Việc để cơ thể tiếp xúc với không khí thổi từ quạt trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến cơ chế điều tiết nhiệt tự nhiên của cơ thể, từ đó gây ra những vấn đề về sức khỏe".

Cụ thể ông chỉ ra, khi dùng quạt máy, sự bốc hơi nước trên da sẽ làm giảm nhiệt độ bề mặt, từ đó làm giảm nhiệt độ ở các nội tạng thông qua cơ chế tuần hoàn máu. Chính triệu chứng này gây ra cảm giác mệt mỏi và chán ăn.

Theo một nghiên cứu khác của Công ty Panasonic, khi cơ thể tiếp xúc với quạt trần ở tốc độ 1m/giây sẽ làm cho nhiệt độ trên da giảm khoảng 3 độ C. "Vì thế sẽ tốt hơn nếu chúng ta chỉ dùng quạt làm mát trong vòng 10 phút, sau đó đi tắm. Không nên phơi cơ thể trực tiếp dưới quạt điện lâu hơn khoảng thời gian đó", bác sĩ Osamu nói.

Ngoài ra ông cũng khuyên, để hạn chế những triệu chứng khó chịu, mọi người nên đặt quạt hướng vào tường hoặc lên trần nhà để không khí được lưu thông tốt hơn thay vì thổi trực tiếp vào người.

Thi Trân

Cảnh báo tác hại từ mì ăn liền

Tiện lợi và ngon miệng, mỳ ăn liền đã trở thành một phần của lối sống hiện đại nhưng kèm theo nó là các vấn đề về sức khỏe như ung thư, suy dinh dưỡng…

Thiếu dinh dưỡng

Mặc dù sau mỗi lần ăn mì ăn liền, bạn cảm thấy rất no, nhưng thực chất, cảm giác no này là do carbohydrate đem lại. Mì ăn liền chỉ chứa nhiều năng lượng chủ yếu từ chất béo và tinh bột. Dùng nhiều mì ăn liền không những khiến bạn có nguy cơ bị mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu chất xơ, vitamin, chất đạm, khoáng chất… mà lại còn có nguy cơ béo bụng do tiêu thụ quá nhiều tinh bột.


Bệnh tim mạch

Thường xuyên dùng mì ăn liền, bạn có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, đột quỵ cao hơn bình thường. Nguyên nhân nằm ở thành phần chất béo có trong hầu hết các loại mì ăn liền. Loại chất béo này là transfat và chất béo bão hòa, chúng vô cùng có hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với những người cao tuổi hay người có tiền sử bệnh tim mạch.

Hư thận, hại xương

Một thành phần có mặt trong mỗi gói mì ăn liền mà không phải ai cũng dễ dàng nhận ra chính là muối. Mì ăn liền thường được ướp rất nhiều muối, với lượng muối cao như vậy, khi ăn, bạn đã vô tình làm hại thận, thậm chí dùng nhiều có thể gây sỏi thận.

Ngoài ra, mì ăn liền cũng chứa đầy phosphate, một chất giúp cải thiện mùi vị thức ăn. Tuy giúp bạn ngon miệng nhưng chất này lại khiến chúng ta dễ bị loãng xương, mất xương, răng cũng yếu dần đi nếu dùng nhiều.

Ung thư

Đã có nhiều nghiên cứu đánh giá sự độc hại của mì ăn liền, với các thành phần phụ gia như màu thực phẩm, quá nhiều muối, chất béo bão hòa… Và hầu hết các nghiên cứu đều kết luận mì ăn liền có khả năng gây ung thư nếu ăn nhiều trong thời gian dài.

Dị ứng

Trong mì ăn liền thường chứa một phụ gia gọi là MSG (monosodium glutamate monohydrate), đây là loại phụ gia tổng hợp mùi vị, khiến cho món mì trở nên ngon miệng hơn, kích thích vị giác tối đa. Thế nhưng, trên thế giới cũng đã ghi nhận trường hợp di ứng MSG do dùng nhiều mì ăn liền. Các triệu chứng bao gồm:

- Cảm giác nóng rát ở ngực, lưng và tay

- Buồn nôn, khó thở, uể oải

- Đau đầu, đau ngực

- Tim đập nhanh, khó thở, chóng mặt

- Bị tê tay chân.

Theo TTVN

Mỳ ăn liền có nên ăn liền?


Mỳ ăn liền rất tiện lợi, chỉ cần ngâm nước sôi là ăn được ngay. Chính vì vậy, nó được sử dụng ngày càng phổ biến. Nhưng ít người biết được rằng, nếu chế biến không đúng cách, gan có thể phải làm việc cả tháng để giải độc cho cơ thể, nếu ăn thường xuyên sẽ gây suy dinh dưỡng.

Tiện nhưng... không lợi

Theo các chuyên gia, hầu hết mì ăn liền ở Việt Nam được sản xuất theo công nghệ chiên (rán) nên khi ở nhiệt độ cao, dầu dễ bị ôxy hóa và nếu dầu được dùng chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ có khả năng tạo ra các chất béo dạng trans fat nhiều hơn. Trans fat làm tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt, gây xơ vữa động mạch, giảm sự lưu thông của máu, từ đó làm tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch, đột quỵ. Trên thế giới, nhiều nước đã đưa ra quy định về ghi thành phần dinh dưỡng và axit béo bão hòa, axit béo dạng Trans trên mỗi gói mì ăn liền. Ngoài việc chứa Transfat, trong mì ăn liền còn có những chất phụ gia (hành, muối, ớt...) làm ngon miệng nhưng những chất này cay nóng, hoặc quá nhiều muối gây bất lợi cho người tăng huyết áp hoặc có thân nhiệt cao.

Đặc biệt, với những loại mỳ ăn liền được chứa sẵn trong cốc, bát nhựa thì còn nguy hiểm hơn cho sức khỏe vì trong chất liệu làm bát/cốc của các loại mỳ tiện dụng có Polystyrene nhằm tránh tình trạng bị biến hình khi gặp nước nóng. Theo một nghiên cứu, hàm lượng chất Polystyrene có thể gây nguy hiểm cho mỗi kg thể trọng cơ thể trong 1 ngày là 0,001mg. Tuy nhiên, hàm lượng này trong 1 bát/cốc mỳ ăn liền có thể lên tới 0,015mg.

Theo nghiên cứu đã chứng minh, các gói gia vị trong mỳ ăn liền phải qua nhiệt độ cao để tiệt khuẩn, đóng gói chân không, nên các loại vitamin nhóm B, chất sắt... có trong thịt, hay vitamin C, vitamin A... có trong rau thực tế đã bị nhiệt làm cho biến mất. Những gì bạn nạp vào cơ thể chỉ là năng lượng, chất béo, điều này hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe.

Sử dụng sao cho an toàn?

Để sử dụng mỳ ăn liền được an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn nên thả mỳ ăn liền vào nước sôi trước, chưa cho các gói gia vị vào vội. Đến khi các sợi mỳ bắt đầu rời nhau, bạn dùng đũa tách rời chúng rồi cho ra bát. Sau đó đổ chỗ nước vừa trần mỳ đi, và nấu một nồi nước sôi khác để cho các gia vị vào. Tuy nhiên, bạn chỉ nên cho 1/3 - 1/2 lượng gia vị và cho thêm trứng gà cùng rau xanh vào nấu chín rồi đổ lên trên mỳ.

Cách này dù hơi rắc rối nhưng giúp bạn không ăn phải chất dầu và chất BHT có trong mỳ ăn liền (chất ổn định chống lên men thực phẩm có trong dầu), là chất gây ung thư, có thể dẫn đến bệnh gan, nhiễm sắc thể dị thường, hoặc làm suy giảm chức năng sinh sản; sợi mỳ cũng không bị mềm nhũn.

Bạn chỉ nên ăn liền khi không có điều kiện nấu và nên hạn chế sử dụng thường xuyên.

Các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo, việc sử dụng nhiều mì ăn liền thay cơm hoặc quá nhiều/ngày có thể khiến cơ thể thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin, khoáng chất khiến cơ thể thiếu máu. Khi sử dụng mì ăn liền cần nấu thêm với rau xanh, thịt hoặc trứng để cung cấp đầy đủ chất cho cơ thể. Rau xanh cũng có tác dụng ngăn chặn quá trình hấp thu chất béo vào mạch máu, giảm được nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, chống béo phì...

Theo SK&ĐS

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Đừng nuốt thuốc chỉ được ngậm

Thuốc đặt trong miệng được sử dụng bằng cách đặt ngay dưới lưỡi và chờ cho tan hoàn toàn. Cũng có khi thuốc được đặt ở mặt trong của má hoặc ở giữa nướu dưới và cằm.

Những thuốc này sẽ được tan rất nhanh nhờ dịch niêm mạc miệng và được hấp thu nhanh chóng vào hệ tuần hoàn máu.

Mục đích của dạng thuốc này là giúp cơ thể đáp ứng nhanh với thuốc khi cần sự can thiệp nhanh chóng. Thông thường, dược phẩm được bào chế dạng này là các viên nitroglycerin dùng cho bệnh nhân đau thắt ngực vì giúp mạch máu giãn nhanh chóng nhằm làm giảm áp lực cho tim. Những loại thuốc khác bao gồm loại giảm đau, kiểm soát huyết áp, trị các bệnh về miệng... Ưu điểm của những dạng bào chế này là thuốc được hấp thu nhanh, tránh bị giảm tác dụng bởi các dịch vị có trong hệ tiêu hóa.

Khi sử dụng những dạng thuốc này, cần lưu ý chỗ đặt thuốc không bị viêm, trầy xước, chảy máu hoặc bị kích ứng. Khi đặt thuốc, người sử dụng cần phải ngồi ngay ngắn và không sử dụng cho những bệnh nhân bất tỉnh. Người sử dụng thuốc không được ăn, uống, nhai, nuốt cho đến khi thuốc tan hoàn toàn, vì như vậy sẽ làm giảm hiệu lực của thuốc.

Bệnh nhân không nên hút thuốc khi đang dùng thuốc ngậm dưới lưỡi hay miệng vì sẽ gây co các mạch máu làm giảm sự hấp thu của thuốc.

Khi được cung cấp thuốc cần hỏi dược sĩ xem loại mà bạn sẽ dùng có phải là dạng đặt trong miệng hay không. Bởi lẽ, dạng thuốc này nếu nuốt sẽ không có tác dụng. Ngoài ra, đừng quên một điều không mới là “đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng”.

Theo DS Nguyễn Bá Huy Cường
Người lao động

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Lang ben

Bài 1. Lang ben: Nguy cơ lây lan và cách điều trị


Lang ben là một bệnh nhiễm nấm, không có triệu chứng và kéo dài dai dẳng. Bệnh có khắp nơi trên thế giới, nhiều nhất ở miền nhiệt đới. Bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 20 đến 35 tuổi.

Yếu tố để gây bệnh: phụ nữ mang thai, yếu tố di truyền, đổ mồ hôi nhiều, bệnh nhân có một bệnh nặng ở nội tạng, bệnh nhân có lượng cortisone trong người nhiều hơn người bình thường, bệnh nhân được điều trị corticoides lâu ngày.

Bệnh gây trở ngại trong giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày. Bệnh lây trực tiếp từ người này qua người khác hay lây qua đồ dùng cá nhân như khăn, quần áo, mùng, mền, chiếu, gối...

Bệnh lang ben thường biểu hiện như sau:

Vùng phơi ra ánh sáng: là một đốm hay một mảng có màu trắng.

Vùng không phơi ra ánh sáng: đốm hay mảng có màu cà phê sữa, màu hồng, màu nâu, màu đất. Vì thế bệnh lang ben còn có tên bệnh nấm nhiều màu (TINEA versicolor). Trên bề mặt của sang thương có vảy mịn, cạo ra như phấn.

- Bệnh lang ben không ngứa hay ngứa ít, nhưng khi ra nắng, đổ mồ hôi thì ngứa nhiều.

- Bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh phong, bệnh bạch biến vì thế bệnh nhân cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán đúng.

Điều trị:

Nếu những đốm nhỏ và ít, ta có thể dùng thuốc thoa tại chỗ như Antimycose, BSI, ASA có hiệu quả nhưng đôi khi bệnh nhân khó chịu vì đau rát và tróc da. Để tránh khó chịu và đau rát, bệnh nhân có thể thoa kem Nizoral trong 3 tuần thì đạt được kết quả khả quan.

Trường hợp có nhiều đốm lang ben xa nhau dùng thuốc thoa dễ bỏ sót vì vậy chúng ta nên dùng thuốc uống:

- Nizoral (Ketoconazol) viên 200mg, ngày uống 1 viên trong 10 ngày.

- Sporal (Itraconazole) viên 100mg, ngày uống 2 viên trong 7 ngày.

Hai thuốc trên uống sau khi ăn. Khi dùng thuốc uống cần có sự hướng dẫn của bác sĩ da liễu.

Điều trị bệnh lang ben phải điều trị mọi người trong gia đình. Quần, áo, mùng, mền nên thay đổi thường xuyên. Giặt giũ đồ dùng cá nhân nên giặt bằng nước nóng. Không nên mặc quần áo ẩm ướt.

Đề phòng bệnh phát trở lại, sau khi điều trị bệnh nhân nên tắm ngày một lần với dầu gội Nizoral (Nizoral sampoo) trong năm ngày liên tiếp.

Theo Ykhoa.net

Bài 2. Củ riềng ngâm rượu chữa lang ben?


TT - Tôi năm nay 19 tuổi, bị lang ben và lác (hắc lào). Xin hỏi củ riềng giã nát ngâm với rượu có chữa được hai bệnh này không? Có loại thuốc nào chữa được mong tư vấn giùm. (Nguyễn Hải Triều, - Thiên Kim DK)

- Lang ben và hắc lào là hai bệnh thường gặp và đều do nấm gây ra. Kinh nghiệm dân gian trị liệu hết sức phong phú, trong đó có cách dùng củ riềng ngâm rượu để chữa. Cụ thể: lấy 100g riềng già, rửa sạch, giã nát rồi ngâm với 200ml rượu trắng hoặc cồn 90O để càng lâu càng tốt. Khi dùng lấy bông y tế thấm dịch thuốc bôi đều lên vùng tổn thương, mỗi ngày vài lần.

Ngoài ra, tùy theo điều kiện cụ thể có thể dùng một số bài thuốc sau đây:

- Quả chuối tiêu non, cắt đôi, xát vào vị trí tổn thương.

- Mảnh gáo dừa đốt cháy ra nhựa, lấy nhựa đó bôi hằng ngày.

- Lá muồng trâu 100g, muối ăn một thìa cà phê, giã nát, bọc vào gạc xát vào nơi bị bệnh.

- Lá và củ chút chít 100g, củ riềng 100g, chanh một quả, hai thứ giã nát rồi vắt nước chanh đun nóng, bôi vào tổn thương.

- Lá và củ chút chít 100g, muối ăn một thìa, củ riềng 100g, chanh một quả. Hai thứ trên giã nát, vắt nước chanh vào đun nóng rồi bôi vào tổn thương.

- Hạt muồng 100g, khế chua 40g, lá trầu không mười lá. Tất cả giã nát, vắt nước chanh vào rồi đun nóng, bôi vào tổn thương.

- Muối ăn tán nhỏ, gừng tươi lượng vừa đủ. Gừng tươi thái lát đắp vào nơi tổn thương, sau đó dùng gừng tươi tẩm một chút muối ăn tiếp tục xát vào vị trí bị bệnh.

- Dùng tỏi vỏ tím giã nát, xát vào vị trí tổn thương.

- Gừng núi 20g, giấm chua 100ml, gừng giã nát ngâm với giấm chua trong 12 giờ rồi dùng bông thấm dịch thuốc bôi vào vị trí bị bệnh.

-Tỏi vỏ tím lượng vừa đủ, giã nát, đắp lên vùng tổn thương.

- Lá cây mướp đắng lượng vừa đủ giã nát, cho thêm một chút muối rồi đắp lên vùng tổn thương.

- Hoạt thạch và tang phiêu tiêu lượng vừa đủ, hai thứ sấy khô tán bột rồi xoa lên vùng tổn thương.

ThS HOÀNG KHÁNH TOÀN

Bài 3. Dùng thuốc chữa lang ben


[suckhoedoisong.vn, 20/3/2009]- .... Dùng các loại dung dịch chống nấm đơn giản như dung dịch cồn BSI ( có acid benzoic, acid salicylic, iod) hoặc dung dịch cồn ASA (có cồn, aspirin, acid salicylic), hoặc thuốc mỡ chứa chất chống nấm ketoconazol bôi lên vùng da bị bệnh và vùng da chung quanh. Cần rửa sạch và làm khô da trước khi bôi. Sau khi thương tổn đã hết cần bôi tiếp một tuần nửa để cũng cố.

Nếu lang ben lan rộng nhiều chỗ, nên uống thêm thuốc viên ketoconazol, mỗi ngày uống 200 mg, uống trong 10 ngày liền.

Kinh nghiệm nhân dân: Có thể dùng 20 gam riềng tươi, giã nát, ngâm trong 200ml giấm thanh bôi lên da. Sau khi thương tổn đã hết, cần tiếp tục bôi thêm hai tuần nữa.

Cần lưu ý: tuy cũng là thuốc chống nấm nhưng nystatin hay gryseofulvin dùng dạng uống hay bôi đều không chữa được bệnh lang ben vì thế không nên dùng nhầm.

Cùng với việc dùng thuốc, cần chú ý: quần áo, khăn mặt phải giặt bằng nước đã đun sôi, là hay sau khi giặt “là nóng” hoặc hong trên lửa nóng, luôn luôn giữ cho da không bị ẩm ướt. Người bị bệnh, mặc loại quần áo bằng vải tốt hơn bằng loại sợi tổng hợp vì loại bằng vải dễ hút mồ hôi làm cho da khô.

DS. Bùi Văn Uy