Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Kinh nghiệm nấu xôi

Bài 1. Ba cách nấu xôi ngon bằng nồi cơm điện


Nấu xôi bằng nồi cơm điện sẽ tiện và nhanh hơn nấu xôi bằng nồi chỡ. Nhưng nấu sao cho ngon? Có 3 cách rất đơn giản dành cho bạn.

Cách 1: Không ngâm gạo

Đun sẵn nước sôi bên ngoài. Vo gạo sạch, bỏ chút muối vào, đổ nước sôi vào gạo rồi bỏ vào nồi nấu. Điều quan trọng là canh nước. Bạn chỉ đổ thật ít nước. Thường thì nếu nấu khoảng nửa cân gạo, đổ nước cách mặt gạo chừng nửa cm, tức là gần như nước xâm xấp mặt gạo. Nếu nấu nhiều gạo hơn thì mình đổ nước cao hơn mặt gạo một chút so với mức vừa rồi. Gạo nếp chín bằng hơi. Khi nồi bật lên nấc hâm nóng, tức là nước đã cạn, bạn lấy đũa sơ nhẹ cơm lên cho mặt cơm nếp bên trên và bên dưới được đảo đều.

Để thêm chừng 5-7 phút nữa tuỳ theo cơm nhiều hay ít, bạn rút điện, mở nắp nồi ra cho hơi nóng bay bớt ra và nước trên nắp vung không rỏ xuống cơm. Hạt gạo ráo và mềm, đơm ra đĩa không khác gì xôi đồ bằng chõ.

Cách 2: Có ngâm gạo

Gạo ngâm khoảng 3 đến 4 tiếng. Để gạo không bị vỡ bạn nên vo gạo trước khi ngâm. Trước khi nấu, bạn nên cho gạo ra rá, tráng qua nước, để khoảng 15 phút cho ráo nước. Sau đó trộn đỗ xanh hay gấc tùy món xôi bạn nấu, cho chút muối cho món xôi thêm đậm đà.

Nếu muốn nấu xôi vào buổi sáng bạn nên ngâm gạo và đỗ xanh từ tối hôm trước. Sáng hôm sau dậy thì đãi sạch hết vỏ đậu , vò sạch gạo nếp và để vào rổ cho ráo nước.
Khi nấu bằng nồi cơm điện bạn cho một chút nước thôi, gạo chỉ sôi một lúc là được. Bạn đừng để gạo sôi lâu quá nó sẽ bị nát. Khi nước cạn bạn thấy gạo chỉ mới chín được 2 đến 3 phần thôi, sau đó bạn sẽ để một chiếc khăn ướt lên trên thì xôi sẽ chín bằng hơi. Khi xôi chín được tám hay chín phần thì bạn đánh lên và cho một ít dầu ăn hoặc mỡ lợn hoặc mỡ gà xuống đáy nồi để chống bị cháy. Nếu vẫn bị cháy thì cũng rất róc và khi ăn thì rất ngon.

Chú ý: Nếu nấu xôi đỗ hoặc lạc thì nên cho lạc đỗ vào đun sôi trước vài phút trước khi cho gạo vào. Nếu nước nhiều quá thì nên múc ra. Gạo ngâm từ trước thì chỉ cho nước bằng gạo thôi, gạo vo xong nấu luôn thì nên cho nhiều hơn một tẹo.

Cách 3: Nước sôi thì rửa gạo

Vo sạch gạo rồi cho vào nồi cơm điện cùng với nước, bật nút như nấu cơm bình thường. Khi nước sôi thì nhấc nồi ra trút gạo vào rá cho ráo. Sau đó đổ lại gạo vào nồi rồi nấu tiếp. Bạn chỉ cần chờ 20 phút là xôi của bạn đã chín. Bạn sẽ được nồi xôi khô ráo và hạt nếp vẫn mềm như nấu bằng chõ đồ.
Chú ý: Gạo nếp không cần ngâm nước và khi gạo đã cho vào nồi nước sôi thì bạn cần canh chừng, nhìn thấy nước trong nồi sôi bùng và đều là phải nhanh tay đổ ra rổ cho ráo nước nếu không thì xôi của bạn sẽ bị nhão.

Theo Vatgia.com

Bài 2. Cách nấu xôi đậu xanh nhanh, ngon


Không phải cầu kì dùng chõ hay nồi đồ xôi, chỉ cần dùng nồi cơm điện cũng nấu được một nồi xôi đỗ xanh thơm dẻo.

Nguyên liệu:
- 400gr gạo nếp
- 200gr đỗ xanh (nên chọn loại đỗ xanh mà lòng của nó màu xanh, không nên chọn loại có lòng màu trắng vì đó là đậu đã để lâu dễ gây sượng)
- Một thìa cà phê muối tinh

Cách làm:
Gạo nếp và đỗ xanh ngâm trước khoảng hai giờ, sau đó vo sạch để ráo nước. Riêng đỗ xanh cần vo và đãi cho sạch vỏ Khi gạo và đỗ đã ráo nước thì cho vào nồi cơm điện, đồng thời cho thìa muối tinh trộn đều. Đổ nước sao cho ngập phần gạo khoảng 0,5cm. Cắm điện, đợi khi sôi thì mở nắp, nhanh tay đảo đều rồi đóng kín. Khi nồi cơm điện chuyển sang nút ủ ấm thì đợi thêm khoảng 10 phút là xôi đã chín tới.

Mách nhỏ:
Để món xôi ngon hơn nên ăn kèm với ruốc, lạp sườn hoặc thịt kho đã chuẩn bị từ trước. Cầu kì hơn nữa thì ăn cùng với thịt gà luộc. Khi được lót dạ bữa sáng bằng món xôi đỗ xanh, các sĩ tử sẽ ấm lòng, yên tâm hoàn thành tốt bài thi.

Theo tinmoi.vn

Bài 3. Cách nấu xôi gấc và xôi đậu xanh của tôi


Trước tiên tôi cũng xin nói thêm là chất lượng nồi cơm điện và gạo cũng ảnh hưởng tới độ ngon của xôi nhé! Sau đây là cách làm, khẩu phần cho 4 người ăn:

- 1,5 chén gạo nếp cho vào một cái âu nhựa, cho ít nước, xíu muối (ít thôi) rồi ngâm qua đêm (hoặc có thể ngâm trong 3 tiếng). Sau đó, vo lại 3-4 nước để ráo.

- Trộn 1/2 muỗng cafe muối vào gạo đã vo.

- Nếu nấu với gấc: Nạo gấc ra rồi trộn vào gạo đã vo. + Có thể trộn thêm một ít mỡ gà hoặc không có có thể cho một xíu dầu ăn (ít thôi), nó có tác dụng làm bóng hạt xôi trông rất đẹp. Hoặc nếu không bạn cũng có thể cho một ít nước cốt dừa khi nấu.

+ Cho gạo vào nồi cơm rồi cho nước dừa tươi vào. Nếu không dùng nước dừa tươi thì cho xíu đường (khoảng 3 muỗng cafe). Nước phải sâm sấp, cao hơn bề mặt gạo khoảng 1/3 đốt tay trỏ.

+ Khi sôi, mở nắp đảo đều để kiểm tra lượng nước, nếu lúc sôi mà nước vừa cạn thì được, nếu thấy nhiều thì phải rút bớt nước.

- Nếu nấu với đậu xanh: + Đậu xanh phải ngâm mềm và đãi vỏ. Trộn đều với gạo đã vo rồi cho vào nồi cơm, cho nước nấu giống như cách nấu với gấc.

Tiêu chí là xôi chín, dẻo, không nát, không quá khô, nhìn bóng, đỏ đều của gấc hoặc hạt đậu cũng phải mềm, bở. Chúc thành công.

(Đỗ Hoàng Anh). Theo vnexpress

Bài 4. Bí quyết đồ xôi ngon


Bạn nên dùng tay vốc từng nắm gạo đỗ trải nhẹ nhàng từng lớp vào chõ, thay vì đổ ào tất cả vào hoặc cố lèn thêm cho nhiều, vì các lỗ thông hơi sẽ bị bít, xôi không thể chín.

Trước tiên, bạn hãy chọn loại gạo nếp cái hoa vàng đều hạt, trắng thơm. Đỗ xanh hạt vừa phải, tán vỡ đôi, vỡ ba. Ngâm riêng gạo và đỗ ít nhất 5 giờ cho mềm. Đãi sạch vỏ đỗ, chờ khô nước rồi trộn đều với gạo nếp, thêm một chút muối.

Khi cho nước vào nồi, nên cho vừa phải. Nếu đổ nhiều quá, nước sẽ bốc hơi hoặc trào mạnh, khiến phần xôi phía dưới bị nát, bịt kín lỗ thông hơi, và phần xôi phía trên sẽ không chín đều. Bạn cũng nên dùng khăn sạch, làm ẩm, trùm bên ngoài chõ để giữ nhiệt, giúp xôi không bị mất nước, chín đều.

Khi đồ xôi cách thủy, bạn nên cho một chiếc đìa sành nhỏ vào nồi để theo dõi lượng nước bên trong còn nhiều hay ít. Nếu đang đun mà nghe tiếng "lạch cạch" nghĩa là lượng nước dùng đồ xôi vừa cạn. Bạn cần tắt bếp để nồi không bị cháy, hoặc cho thêm nước đun tiếp nếu xôi chưa thật chín.

Trung bình, bạn cần đun từ 30 đến 40 phút để gạo đỗ chín mềm, đều. Nên đun vừa lửa, lấy đũa đảo nhẹ trong lúc đồ. Khi xôi chín, có thể trộn thêm vài thìa dầu ăn để tạo độ bóng, xôi sẽ mềm và thơm hơn.

Theo lamchame.com

Bài 5. Cách nấu 4 món xôi


1. Xôi khúc (xôi cúc)

Nguyên liệu: 300g gạo nếp, 150g đậu xanh cà vỏ, 150g bột nếp, 30g bột gạo, 100g thịt nạc đùi, 1 bó rau tần ô nhỏ (200g), muối.

Thực hiện: Thịt nạc đùi luộc chín, thái hạt lựu lớn. Nếp ngâm nước 2 giờ, vớt ra rổ, để ráo. Đậu xanh nấu chín với 1/2 thìa cafe muối, dùng thìa tán mịn, trộn thịt nạc vào, chia thành những viên nhỏ. Lá tần ô xay với 1 ít nước, vắt lấy nước.

Trộn bột nếp với bột gạo, cho từ từ nước rau tần ô vào, nhồi thật kỹ đến khi bột dẻo, mịn, chia thành từng viên nhỏ.

Nắn bột mỏng, cho viên đậu xanh vào giữa, nắn kín. Thực hiện với các viên còn lại. Trải 1 lớp nếp dày 1cm vào xửng, cho các viên bột lọc đậu xanh vào, sắp mỗi viên cách nhau 1cm. Trên cùng trải phần nếp còn lại, hấp chín.

Thưởng thức: Dùng nóng

2. Xôi tam sắc (xôi tam hạt)

Nguyên liệu: 450g gạo nếp, 50g đậu đen, 50g đậu xanh cà vỏ, 50g lạc, muối.

Thực hiện: Gạo nếp vo sạch, ngâm nước 2 giờ, vớt ra rổ, để ráo, chia làm ba phần bằng nhau. Đậu đen ngâm nước 2 giờ, cho vào nồi với 1/4 thìa cafe muối.

Nấu cho đậu đen chín mềm, trộn với 1 phần nếp, sau đó cho vào nồi, chế nước xâm xấp mặt, nấu chín như nấu cơm. (Lưu ý: Vặn lửa nhỏ để hạt nếp mềm mà không bị khét).

Lạc ngâm nước 2 giờ, cho vào nồi với 1/4 thìa cafe muối, nấu đến khi chín mềm. Trộn lạc với 1 phần nếp, nấu chín như nấu với đậu đen.

Đậu xanh rửa xanh, trộn với 1/4 thìa cafe muối và 1 phần nếp. Cách nấu xôi đậu xanh giống như nấu xôi đậu đen hay xôi lạc.

Thưởng thức: Cho xôi vào khuôn tròn tạo hình, ăn kèm với muối vừng.

3. Xôi vò

Nguyên liệu: 400g gạo nếp ngỗng, 150g đậu xanh cà vỏ, 30g đường cát, dầu ăn, muối, 1 bó lá dứa.

Thực hiện: Nếp vo sạch, ngâm nước 2 giờ, vớt ra rổ, để ráo. Đậu xanh ngâm nước 30 phút, vớt ra, để ráo, xốc với 1/2 thìa cafe muối, hấp chín, giã mịn. Chia đậu xanh làm 2 phần. Một phần trộn với nếp, 10ml dầu ăn và 1/2 thìa cafe muối. Phần còn lại để riêng.

Chuẩn bị một xửng nước sôi, cho lá dứa vào, cho phần nếp đã trộn đậu xanh vào hấp chín. Đổ xôi ra một cái mâm, đánh tơi, để nguội.

Trộn tiếp phần đậu xanh còn lại vào xôi, hấp thêm khoảng 5 phút rồi rắc đường lên mặt xôi, nhắc xuống, trộn đều.

Thưởng thức: Múc ra đĩa, ăn kèm với chả lụa.

4. Xôi gấc

Nguyên liệu: 400g gạo nếp, 1 quả gấc chín đỏ, 50g đường cát, 10ml dầu ăn, 1 thìa cafe muối, 1 thìa cafe rượu trắng.

Thực hiện: Gạo nếp vo sạch, ngâm nước 2 giờ, vớt ra rổ, để ráo. Gấc xẻ đôi, nạo lấy phần thịt gấc, cho vào tô. Cho rượu trắng, muối vào tô gấc, bóp nhuyễn thịt gấc thành hỗn hợp sền sệt, trộn vào nếp.

Cho nếp vào xửng hấp chín. Trộn đều xôi với đường và dầu ăn.

Thưởng thức: Múc xôi ra đĩa hoặc có thể cho vào khuôn tạo hình theo ý thích, dùng nóng hay nguội đều được.

(Theo Vào Bếp)
Việt Báo (Theo_24h)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét