Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Sử dụng bếp GAS an toàn

Một số biện pháp đảm bảo an toàn trong sử dụng bình gas, bếp gas

Để giúp mọi người sử dụng bình gas và bếp gas an toàn, không để xảy ra cháy nổ, các nhà chuyên môn lưu ý một số biện pháp an toàn khi sử dụng bình gas và bếp gas để đun nấu như sau:

* Bếp gas phải đặt ở nơi thông thoáng, đủ ánh sáng, không có gió mạnh, xa nguồn lửa trần và các chất dễ cháy, nổ khác. Bệ đặt bếp phải làm bằng vật liệu không cháy. Bếp đặt cách tường ít nhất 15 cm, cách trần 1 m, cách các thiết bị điện là 1,5 m. Bình gas luôn đặt ở tư thế thẳng đứng và thấp hơn bếp. Chân bếp không đè lên ống dẫn gas. Giữa bình và bếp gas phải có tường ngăn cháy.

* Trước khi bật bếp đun phải kiểm tra tình trạng của bếp, bình và ống dẫn gas. Nếu phát hiện thấy mùi như mùi ét-xăng hoặc axeton thì phải đóng ngay van bình lại, loại trừ tất cả các nguồn nhiệt, không bật bếp và các thiết bị điện, tránh để các đồ vật bị ma sát, sinh tia lửa, đồng thời mở tất cả các cửa sổ, cửa ra vào dùng quạt nan, quạt giấy để đẩy khí gas ra ngoài. Sau đó tiến hành kiểm tra độ kín của hệ thống từ bình đến bếp.

Lưu ý khi kiểm tra chỉ nên dùng nước xà phòng (hay nước rửa bát có nhiều bọt) bôi vào vỏ bình, van, ống dẫn gas; nếu thấy bọt to lên thì chứng tỏ gas bị rò. Tuyệt đối không được dùng lửa trần như: diêm, bật lửa để soi kiểm tra. Khi phát hiện ra chỗ rò rỉ phải khắc phục ngay, đảm bảo kín sau đó mới tiếp tục đun. Khi đun nhất thiết phải có người trông coi, không để người già, trẻ em, người tàn tật... sử dụng. Không dùng bếp gas để sưởi hoặc sấy các đồ vật khác. Khi đun nấu phải đề phòng nước sôi tràn xuống bếp.

*Để giữ cho bếp hoạt động tốt, tránh xảy ra sự cố, chúng ta phải thường xuyên làm vệ sinh bếp, nếu thấy đường ống dẫn gas bị nứt, vỡ phải thay thế kịp thời. Khi đun nấu xong phải tắt bếp theo đúng trình tự: Tắt van cổ bình trước sau đó mới tắt van bếp.

* Đối với bếp gas mi ni chỉ dùng bình gas mới, không dùng những bình đã qua sử dụng nạp lại nhiều lần.

* Trong trường hợp xảy ra sự cố khi đun nấu bằng bếp gas phải bình tĩnh xử lý ngay từ ban đầu theo quy trình: Dùng chăn ướt phủ lên bếp hoặc bình cho tắt lửa, hoặc dùng bình chữa cháy phun dập tắt đám cháy, đóng bình gas di chuyển ra nơi an toàn. Nếu van cổ bình bị hỏng không đóng được thì di chuyển bình ra nơi thông thoáng để xả hết gas trong bình. Trong trường hợp khi xảy ra sự cố ngọn lửa lớn có nguy cơ xảy ra nổ bình gas, cháy lan sang các chất và vật liệu khác thì nhanh chóng điện ngay cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy.

Tiết kiệm gas khi sử dụng

Bạn nên chuẩn bị sẵn sàng các thức ăn cần nấu để nấu liên tục cho đến khi kết thúc việc chế biến.

Khi nấu lửa nhỏ, chọn xoong, nồi cỡ nhỏ. Ngược lại, khi nấu với loại xoong, nồi có đáy lớn thì nên mở lửa lớn để tránh hao gas.

Các loại nồi áp suất, nồi nhôm, nồi inox có dây tích nhiệt... sẽ giúp tiết kiệm gas khi nấu. Bạn có thể sử dụng thêm vòng kim loại nhằm tăng độ nóng để tiết kiệm gas.

Tránh mở hoặc tắt bếp gas nhiều lần sẽ làm hao gas và giảm tuổi thọ của bếp.

Nhân viên giao gas cố tình tạo nguy cơ cháy nổ (Theo ANTĐ)

Khi giao gas, nắm bắt tâm lý kém hiểu biết về thiết bị sử dụng gas của người tiêu dùng (chủ yếu phụ nữ và người già) nên nhân viên giao gas hay nói rằng van gas, dây gas bị hỏng, có hở mùi để người tiêu dùng phải thay với giá quá cao so với thực tế, trong khi van gas và dây gas vẫn sử dụng tốt.

Lợi dụng khi chủ nhà không để ý, các nhân viên này còn vặn hở gas ở bình hay bẻ van gas. Có những nhân viên chuẩn bị cả kim sắt để chọc thủng dây dẫn gas hoặc dùng dao cứa dây để tạo vết nứt. Sau đó, họ báo với chủ nhà rằng thiết bị gas bị hỏng và buộc chủ nhà phải thay với giá rất đắt. Một số trường hợp nhân viên cố tình làm hỏng bếp gas của chủ nhà để mang bếp về sửa lấy tiền.

Tuy nhiên, trong quá trình sửa họ đã lắp thiếu các chi tiết của bếp, thậm chí một số cố tình lắp thiếu bộ phận cảm ứng nhiệt của bếp điện (có chức năng tự ngắt, đóng đường dẫn gas), làm bếp mất khả năng tự ngắt an toàn trong quá trình đun nấu như tràn nước hay gió lùa.

Đặc biệt nguy hiểm hơn, như trường hợp nhân viên dùng dao cứa dây cao su để tạo vết nứt, nhưng nếu chủ nhà không thay dây như mong muốn, nhân viên đó vẫn để nguyên vết nứt ra về, phó mặc cho chủ nhà, dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

Tôi xin đưa ra ví dụ như với van an toàn của hãng GOLDSUN với giá bán thực tế là 100.000 đồng/chiếc nhân viên và cửa hàng gas có thể bán đủ các mức giá từ 200.000 ~ 400.000 đồng/chiếc. Thậm chí có nhân viên đã thay van với giá 960.000 đồng/chiếc. Còn dây dẫn gas giá thực tế từ 20.000 ~ 50.000 đồng/chiếc (chiều dài 1m) thì họ có thể thay từ 100.000đồng~300.000đồng/chiếc.

Việc cho nhân viên thay thiết bị gas có 30% hoa hồng khi trừ đi chi phí mà chủ hộ mua thiết bị gas ban đầu khiến cho các nhân viên này có thêm hành vi sai trái, thiếu đạo đức, gây thiệt hại và nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Ví dụ như, van gas chủ cửa hàng nhập với giá 50.000đồng/chiếc. Nếu nhân viên thay là 350.000đồng/chiếc. Thì nhân viên sẽ được (350.000 -50.000)/3 = 100.000 đồng/chiếc. Vậy chủ cửa hàng thực tế sẽ thu (350.000 - 100.000 = 250.000 đồng/chiếc (lãi 200.000 đồng/chiếc so với giá bán thực tế 50.000 đồng/chiếc).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét