Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Răng chắc thì người khỏe

"Bệnh vào cơ thể từ miệng" là câu được đúc kết từ ngàn xưa. Nhưng hiểu "đầu vào" từ đường tiêu hóa, hô hấp... thì đúng nhưng chưa đủ. Đủ là cần biết 500 loại mầm bệnh luôn chực sẵn nơi răng miệng đợi dịp "đi tắt" qua hệ thống tuần hoàn để phát bệnh...

Phần 1: Kẻ ác rình rập

Thời Tam Quốc có chuyện cụ Băng Kinh, thọ 176 tuổi. Tào Tháo hỏi bí thuật sống lâu, cụ nói: "Mỗi việc ngày ngày gõ răng, nuốt nước miếng". Chả thế người xưa gọi nước miếng là thuốc bổ "cam lồ". Khoa học ngày nay chứng minh răng miệng là môi trường cộng sinh của đủ loại tạp khuẩn. Thế nhưng, trong số "quân ta - quân mình" ấy lại trà trộn vô số "quân nó", có loài ác hiểm stờ - rép - tô - cốp - cơ (Streptocoque) và các loại vi khuẩn gây hại khác làm sâu răng nếu chúng bám được vào men răng và khi chủ nhân ăn đồ ngọt chúng sẽ tiết ra những a - xít làm mất chất khoáng của răng là bước khởi phát bệnh từ răng lợi.

Những mảng bám răng lâu ngày tạo thuận lợi cho bệnh phát sinh, phát triển do lớp mảng bám sâu không nhận được ô - xi nữa, cũng tức là ở đó các tạp khuẩn có ích hiếu khí bị thay thế bởi những mầm bệnh kị khí. Đầu têu phải kể đến vi khuẩn Gờ - ram (Gram) là thủ phạm chính gây bệnh vùng răng lợi.

Đường tắt cho mầm bệnh

Viêm chân răng cũng như sâu răng, mầm bệnh (vi khuẩn) xâm nhập qua răng, chân răng rồi vào máu, chu du khắp cơ thể, điểm đến thì tùy loại mầm bệnh ưa "đặc sản" nào có thể "xơi" ngay mà cũng có thể tạm trú "đợi đấy". Thí dụ, theo Tin tức khoa học (News Scences) thì gần đây có tới 30 - 50% trường hợp viêm màng trong tim có bệnh căn từ răng miệng. Nguy cơ viêm chân răng có thể do cắn nhai một thứ vỏ cứng, sắc hoặc một bàn chải răng lông cứng làm "đứt" dây chằng quanh trụ lợi (trường hợp ăn uống thiếu dưỡng chất, người đau yếu, già cả dây chằng càng dễ "đứt") có thể thấy máu tươi bật ra là "mồi ngon" - đường tắt cho mầm bệnh xâm nhập. Văn y từng ghi rõ: Nhổ một chiếc răng hàm có thể khỏi hẳn chứng đau xương ở gót chân.

Nguy cơ từ răng lợi cũng liên quan đến bệnh tim mạch, tạo thuận lợi cho máu vón cục gây chứng huyết khối. Một tài liệu công bố ở Mỹ năm 2007 đã kết tội chứng viêm lợi làm tăng 7,5 lần nguy cơ thai phụ đẻ non vì độc tố tiết ra từ viêm lợi theo máu tới nhau thai gây tăng tiết chất prô - sta - glan - din - ne (prostaglandine) trong nước ối kích hoạt cổ tử cung giãn mở sớm đẩy thai ra hoặc gây hại cho sự phát triển của phôi, tăng khả năng sốt sản.

Bệnh nặng lợi mưng mủ, cũng là lối tắt cho mầm bệnh tấn công trực diện vào đường tiêu hóa từ thực quản đến trực tràng. Vi khuẩn len lỏi vào tuyến nước bọt gây quai bị, theo màng nhầy xoang hàm gây viêm xoang khiến có cảm giác đau dưới mắt rồi nhanh chóng lan đến hốc mắt làm viêm giác mạc, kết mạc.

Theo đường hô hấp, vi khuẩn vào tới cuống phổi gây viêm. Lời khuyến cáo lây nhiễm từ răng miệng không chỉ đặc biệt đối với người bệnh mạn tính phức tạp như tiểu đường, suy thận, suy giảm miễn dịch... mà với cả những ai thường dùng hoặc lạm dụng thuốc kháng sinh vì các thuốc này dùng lâu làm giảm khả năng miễn dịch. Nguy cơ bội nhiễm cũng được cảnh báo về vệ sinh răng miệng ở những người từng phẫu thuật dạ dày, thực quản, tim, chỉnh hình, v.v...

Giữ đồ làm sạch

Bàn chải răng, cốc nước, nơi để ẩm ướt là "hộ khẩu thường trú" lí tưởng của đủ loại vi khuẩn sinh sản. Nhiều nhà dùng chung bàn chải, để chung bàn chải trong một cái cốc. Nhưng cốc chỉ ba bốn ngày không được cọ rửa bằng xà phòng sẽ thấy thành cốc, ở bàn chải bám vào một lớp chất dính là xác chết, là chất độc vi khuẩn tiết ra. Các xét nghiệm còn xác nhận ở các vòi nước sau một đêm vi khuẩn bám đầy quanh vòi. Vậy là nếu không giữ sạch đồ làm sạch thì vô tình rước thêm mầm bệnh vào răng miệng. Tốt nhất là dùng xong rửa sạch, để khô.

Trong đồ làm sạch răng, tăm xỉa răng là "hung khí" ác hiểm nhất về nhiều mặt. Dân Âu Mỹ không có thói quen xỉa răng nên hàm răng chặt, lợi sít. Người mình trót chọc, ngoáy, đâm thủng chân răng, hở lợi từ bé, càng lớn càng xấu một "góc con người" và ươm mầm đủ loại bệnh từ ngoài vào, trong ra. Người lớn đã trót xỉa tăm thì hãy giữ vệ sinh biết chọn tăm sạch, vật chứa đựng hợp vệ sinh. Trẻ nhỏ chớ cho nhiễm thói quen xấu xỉa răng bằng tăm bẩn. Nay các nhà nhập khẩu bắt chước Tây quảng cáo dùng "chỉ nha khoa": Há mồm, một tay cầm đầu chỉ kéo, ta ta ngoài miệng... cưa - thật diệu vợi, còn mất vệ sinh hơn mà những mảng giắt trong kẽ răng thì chỉ chọc ngoáy mới vừa ý.

Phần 2: Tập sự nha khoa

Bóp nặn chân răng

Năm 1997, tôi giới thiệu cách bóp nặn ổ răng mưng mủ của bác sĩ Đông y Nhật Chư-nô-đa A-ki-ra ở các lớp dưỡng sinh, có số học viên áp dụng rất kết quả, tránh được nha chu viêm rụng hết răng - mà nếu bệnh để tiến triển thành mạn tính thì mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể khó lường. Cách làm là rửa sạch bàn tay, ngón cái và ngón trỏ đưa vào miệng bóp chặt, day mạnh chỗ chân răng đau, mưng mủ thì nặn ra mủ máu.

Vận dụng cách chữa này, tôi dùng một ngón tay chà xát chân răng, cả trong ngoài, răng đã chớm lung lay sau dăm bảy ngày cũng chắc lại. Nhà thơ Phan Cung Việt ở CLB Văn nghệ Báo Tiền Phong làm theo tôi viết ở Tri thức trẻ công nhận trường hợp răng chưa mưng mủ, mới chớm bị đau, sâu và phòng bệnh răng lợi bằng chà xát hằng ngày là rất tốt. Cố thư kí của Bác Hồ, ông Vũ Kỳ (1921- 2005) kể, những năm ở ATK Việt Bắc, Bác chỉ dùng nước muối loãng súc miệng và chà xát, luyện răng chắc, chống nguy cơ mắt kém, răng rụng thêm từ sau thời gian bị giam cầm và giải đi qua 30 nhà lao ở Quảng Tây - Trung Quốc năm 1942.

Luyện cho răng chắc, khỏe

Mức sống và tuổi thọ người xưa rất thấp nhưng khá nhiều người công phu tập luyện theo giới luật đều thọ bách niên khỏe mạnh (chứ không như người nay dân số già hóa nhiều, bệnh tật càng nhiều). Cách gõ răng: Mím môi, dùng ba đầu ngón tay 2 - 3 - 4 gõ ngoài má, dọc hai hàm răng qua môi, gõ mạnh môi trên là huyệt Nhân trung, dưới là Thừa tương. Đồng thời day ấn những răng chớm đau, các huyệt hai bên má, quanh miệng và riêng huyệt Giáp sa, tác dụng kích hoạt dây chằng, thần kinh, làm dày, khỏe niêm mạc miệng, phòng chống những tổn thương rất hay gặp ở dạng bóng, nước, loét, liken - đường chỉ trắng, vàng hoặc đỏ kéo từ chân răng hàm tới mép trong miệng gây nhiễm khuẩn mạn tính, dễ chuyển sang ung thư. Sách cổ còn ghi trước khi đi tiểu cắn răng 36 lần, luyện trong 3 tháng thì hết đau răng.

Mỗi sáng dậy, đầu lưỡi lia quét lên hai hàm răng trên dưới trong ngoài, lia qua hai bên má là cách mát-xa rất tốt cho cả lưỡi, miệng chống viêm nhiễm, lở loét. Hai hàm răng dập vào nhau 20 - 50 lần cho chắc chân răng. Hai thao tác lưỡi và răng này giúp tác động tới gan, mật với hiện tuợng miệng đắng, khô miệng, kích hoạt các tuyến nước bọt sản xuất “cam lồ”, làm động tác nuốt “ực ực” tốt cho cả khoang miệng vòm họng.

Xoay day huyệt đạo

Người xưa có câu “Đau răng không phải bệnh mà là mệnh”, ta hiểu nó thuộc cơ địa đã “lập trình”. Chúng tôi theo dõi và kinh nghiệm cá nhân cho thấy ai có ngón tay trỏ nhỏ và nhọn thường hay bị bệnh răng lợi và xương khớp chi dưới đau, vai cứng bên nào thì cũng thường răng bên ấy đang bị bệnh. Lại nhớ, triết thuyết Đông phương, con người là một vũ trụ nhỏ, mọi cơ quan bộ phận trong cơ thể liên quan chặt chẽ với nhau nên việc day ấn huyệt vị rất tác dụng, phòng, giảm hoặc khỏi đau. Dĩ nhiên, bệnh nặng cấp tính cần đi khám, dùng thuốc.

Các huyệt đạo phòng trị răng miệng nhiều, có thể tham khảo đúc kết ở mặt theo đồ hình 1, ở tay đồ hình 2. Riêng huyệt Giáp xa ở góc xương hàm dưới, chỗ cơ nổi lên khi cắn răng, răng đang đau, ấn mạnh huyệt này lúc đầu đau tê, lát sau hết đau, rất dễ chịu. Có thể phân chia: Đau răng hàm trên bấm các huyệt Hạ quan, Ế phong, Thính cung, Giáp xa, Thái khê, Hợp cốc chuyên trị đau răng, họng, ù tai, chảy máu cam, tê bàn tay, ngón tay…

Chứng đau thần kinh chạc ba dễ lan tới khớp hàm, đau gáy, cứng cổ tưởng như đau răng từng cơn dăm phút dữ dội, nhai nuốt, há miệng khó khăn. Dùng biện pháp mát-xa rất hiệu nghiệm.

Phân biệt đau răng với đau lợi

Nhiều cơn đau mất ăn, mất ngủ khiến người bệnh nghĩ do răng. Nhưng không, do ổ mủ của lợi (nướu) mà người “ngại” đánh răng, đánh răng thiếu vệ sinh hoặc do ăn uống thiếu dưỡng chất làm suy giảm chức năng liên kết bền chặt của lợi với răng. Khi mới bị hở, lợi xốp, phồng lên, sưng đỏ, chớm đau, chảy máu, chỗ loét nhanh chóng mưng mủ, rỉ ra ở kẽ răng, chân răng, tức phần lợi bị hủy hoại.

Không nên dùng bàn chải lông cứng chà xát, mà dùng bàn chải lông mềm, ngón tay mềm, nhẹ điều khiển việc chà xát trong ngoài, mặt bên với nước muối hạt pha loãng và súc miệng kĩ để nước thấm qua các kẽ răng.

Thử tự chế thuốc

Lương y người Nhật C.A-ki-ra chuyên nghiên cứu, giới thiệu “thuốc vuờn nhà” trên Tạp chí Y dược Nhật Bản, đã công bố bài thuốc: Dùng tai cà tươi gói vào giấy thiếc đặt lên xoong chảo, đốt thành than đen rồi tán nhỏ thành bột, trộn với muối rang tán thành bột lượng bằng nhau, thành thứ kem đánh răng tuyệt hảo làm răng trắng, sạch, phòng chống bệnh răng lợi cực tốt với bà con ở các vùng sâu, vùng cao. Ông gọi là “thuốc đặc trị ổ mủ chân răng”. Bài thuốc thứ hai, dùng hà thủ ô trắng, đỏ đều được phơi trong râm, rửa sạch bằng nước muối, khi đi ngủ kẹp miếng hà thủ ô giữa lợi và má, sáng dậy bỏ ra, có mủ thì mủ ra theo. Kẹp liên tục cả ngày càng nhanh khỏi.

Người Trung Quốc mách nhau “thuốc quanh ta” có ba toa dễ kiếm để chữa giảm đau ngay: Một là, cắt một miếng gừng sống đặt vào chỗ răng lợi đau, cắn chặt, nóng rát quá thì dừng lại. Bài hai, 10 quả vải chín, bỏ ít muối vào cùi, sao khô tán bột, cho vào lọ giữ kín, bôi vào chỗ răng đau coi như “tủ thuốc gia đình”. Ba là, long nhãn và băng phiến tán bột, dấp nước bọt cho bột dính vào ngón tay bôi vào chỗ đau, bảo người bệnh hít khí “thuốc” vào dịu đau ngay. Giữ “thuốc” rồi nhổ ra không nuốt. Cách tốt khác, rẻ tiền là nhai lá Lược vàng ngày 6 lá, chia 3 lần, nuốt cả lá lẫn nước.

Ăn uống với răng lợi

Nguyên tắc chung: kẻ thù của răng là đường, dù là kẹo, bánh, đồ ngọt, thức ăn đồ uống chế xuất từ gạo, mì, v.v… Do ăn uống xong, chất ngọt vẫn bám vào men răng, tạo môi trường a-xít để đưa… "sâu" vào răng lợi. Nhưng chất ngọt từ trái cây, rau xanh, củ rễ… lại rất tốt cho răng lợi và tiêu hóa. Ăn đồ sống trước khi ăn đồ chín chừng một giờ tốt hơn do tránh được phản ứng tăng bạch cầu, bảo vệ hệ miễn dịch của cơ thể. Răng lợi rất kị đồ ăn, thức uống quá nóng, quá lạnh, chua, cay, ôi thiu…

Chăm sóc răng lợi

Ăn xong nên đánh răng không chỉ chải ngang hàm răng như chải giặt quần áo mà đổi chiều đứng dọc các kẽ răng vừa sạch các mảng bám giắt, vừa tránh được hiện tượng mài mòn men trên bề mặt do răng bị chà xát nhiều. Chải vòng quanh chân răng để mát-xa, làm chắc chân răng.

Hàm răng giả làm đúng cách, không để trầy, loét niêm mạc lợi và chải sạch sau bữa ăn, ngâm rửa qua đêm, có trục trặc cần chỉnh sửa. Khám răng định kì năm 1, 2 lần là yêu cầu cuối cùng của răng chắc thì người khỏe. Có câu "Cái răng, cái tóc là góc con người". Biết cách chăm sóc răng lợi thì răng chắc đẹp ắt người khỏe

Trịnh Tố Long
Theo Báo người cao tuổi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét