Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

10 dấu hiệu xương bạn đang mỏng dần đi

Xương của bạn có đủ vững chắc hay không? Hãy lưu ý những dấu hiệu sau để có biện pháp bảo vệ cho xương của mình bởi có thể xương bạn đang bị báo động mà không hề biết.

1. Bạn bị nứt xương nhiều hơn một lần trong vòng hai năm chỉ vì các tai nạn nhỏ

Bạn bị vỡ mắt cá chân chỉ vì vấp té do đôi giày quá cao? Bạn bị chẩn đoán là nứt xương đầu gối chỉ vì một cú va quẹt xe nhẹ? Nếu bạn dễ dàng chấn thương về xương như thế thì chắc chắn xương của bạn đang gặp vấn đề.

Nên làm: Bạn cần kiểm tra mật độ xương. Các bác sĩ sẽ sử dụng một loại X-quang đặc biệt để đo lượng canxi trong xương và các vi chất khác cấu tạo nên xương. Thông qua kết quả kiểm tra, các bác sĩ sẽ dự đoán chính xác về nguy cơ gãy xương của bạn dựa vào mức độ loãng xương mà bạn đang mắc.

2. Bạn có dáng người thấp bé và xương mỏng

Những người có khung xương nhỏ và xương mỏng có khả năng bị loãng xương ngay cả khi còn trẻ. Điều này không có nghĩa là người to lớn sẽ không mắc bệnh loãng xương. Chỉ là người có khung xương nhỏ và xương mỏng sẽ có nguy cơ loãng xương cao hơn.

Chúng ta đạt khối lượng xương tối đa và ngừng phát triển khi chúng ta 20 đến 25 tuổi. Vào giai đọan từ 30 đến 40 tuổi, chúng ta bắt đầu bị mất xương. Tỷ lệ mất xương phụ thuộc vào di truyền, chế độ ăn uống, chế độ luyện tập thể dục…

Nên làm: Nếu bạn dưới 40 tuổi, nên làm tất cả mọi thứ có thể để giúp xương chắc khỏe: không quên uống sữa hàng ngày, ăn nhiều các thực phẩm giàu canxi và chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao. Nếu bạn 40 tuổi trở lên, tiếp tục cung cấp magiê, vitamin D và canxi cho cơ thể, luyện tập thể dục.

3. Dùng prednisone và các loại corticosteroid khác để trị bệnh

Uống thuốc có chứa corticosteroid trong một thời gian dài ảnh hưởng đến mức độ hoóc môn, hoóc môn này làm mất canxi, vitamin D và các chất dinh dưỡng khác trong xương. Những người có bệnh tự miễn hoặc viêm khớp dạng thấp có mức độ loãng xương cao hơn người bình thường vì dùng hóa chất này để trị bệnh. Phụ nữ có nguy cơ cao hơn bởi họ có nhiều khả năng mắc các bệnh tự miễn dịch.

Nên làm: Nếu bạn dùng corticosteroid để trị bệnh, bạn cần được bác sĩ theo dõi cẩn thận thường xuyên.

4. Hút thuốc

Các chuyên gia không biết chính xác hút thuốc tác động xấu đến xương như thế nào, tuy nhiên nhiều nghiên cứu khẳng định đúng là việc hút thuốc có tác hại cho xương của bạn, đặc biệt là bệnh loãng xương. Vì vậy, nếu bạn hút thuốc, rất có thể bạn có nguy cơ loãng xương.

Nên làm: Tin mừng là không có khi nào là quá muộn hay quá tuổi cho việc bỏ thuốc lá, chỉ cần bỏ thuốc, bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích sức khỏe.

5. Bạn uống nhiều hơn 2 ly rượu mỗi ngày

Rượu là một thực phẩm làm yếu xương bởi chúng làm tan canxi, magiê và các khoáng chất từ xương của bạn. Nếu bạn uống nhiều, khả năng loãng xương càng cao. Phụ nữ dễ bị loãng xương hơn nam giới một phần vì họ chịu tác động từ rượu mạnh hơn nam giới.

Nên làm: Giải pháp hàng đầu chính là cắt giảm lượng rượu mà bạn uống. Hãy thử thưởng thức một hoặc hai ly rượu một đêm và sau đó chuyển sang trà thảo mộc hoặc sữa nóng, mật ong.

6. Bạn không uống sữa

Sữa là một thành phần quan trọng để góp phần xây dựng xương. Sữa không chỉ cung cấp canxi mà còn cung cấp vitamin D, một thành phần thậm chí còn quan trọng hơn canxi.

Nên làm: Nếu bạn không thể uống sữa, nên dùng các thực phẩm hay các loại thức uống khác giàu canxi, magiê và vitamin D để bổ sung. Đậu nành là một thức uống thay thế khá tốt.

7. Bạn bị rối loạn ăn uống

Biếng ăn là một tiền đề nguy hiểm có thể đe dọa bạn bị loãng xương. Bởi trọng lượng cơ thể thấp có thể làm giảm lượng hoóc môn và nguyệt san không đều. Bất cứ điều gì làm giảm lượng estrogen đều có thể gây trở ngại trong việc xây dựng xương.

Những gì bạn nên làm: Nếu bạn bị biếng ăn hay cuồng ăn, bạn cần sự theo dõi của bác sĩ. Có nhiều biện pháp chữa trị rối loạn ăn uống được chứng minh là hiệu quả. Điều này rất quan trọng để bảo vệ hệ xương. Ngoài ra không quên một chế độ ăn uống giàu canxi, vitamin D nữa đấy.

8. Kinh nguyệt không đều

Lượng estrogen thấp thường là nguyên nhân của hiện tượng kinh nguyệt không đều. Thật không may, estrogen thấp ảnh hưởng trực tiếp đến sự mất xương. Estrogen thấp có thể do rối loạn ăn uống, luyện tập quá mức, bệnh buồng trứng đa nang.

Nên làm: Nên gặp bác sĩ. Các chẩn đoán có thể đưa ra kết quả chính xác và bác sĩ sẽ cho bạn phương án điều trị việc thiếu estrogen hiệu quả nhất.

9. Bạn có một người họ hàng gần mắc bệnh loãng xương trước tuổi 50 hoặc trước mãn kinh

Lịch sử bệnh loãng xương của gia đình là nguyên nhân đáng để bạn lo ngại. Bởi nếu bạn có người trong gia đình hay họ hàng gần mắc bệnh loãng xương thì nguy cơ mắc bệnh của bạn là khá cao.

Nên làm: Tìm hiểu lịch sử sức khỏe của gia đình bằng cách tham khảo thông tin từ ông bà cha mẹ, người thân. Nếu bạn có thân nhân loãng xương, hãy nói chuyện với bác sĩ.

10. Phụ nữ da trắng hoặc phụ nữ châu Á và trên 50

Ngoài các yếu tố về chủng tộc. Phụ nữ 60, 70 tuổi càng phải chú ý cao. Bởi loãng xương tăng dần theo tuổi tác. Các chuyên gia ước tính rằng loãng xương sau tuổi 75, 90% phụ nữ có nguy cơ gãy xương.

Nên làm: Bạn không thể thay đổi giới tính, chủng tộc, tuổi tác. Nhưng biết được nguy cơ sẽ giúp được bản nhận thức rõ tình trạng và nguy cơ của mình để có cách đề phòng tốt nhất. Nếu bạn trên 50 tuổi và xương đang suy yếu, bạn cần được sự hướng dẫn điều trị từ bác sĩ.

Nguồn: http://hn.24h.com.vn/ban-co-biet/10-dau-hieu-xuong-ban-dang-mong-dan-di-c406a369127.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét