Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Bị rối loạn tiêu hóa, chữa như thế nào?

Rối loạn tiêu hóa dù ở mức độ mãn tính hay không đều làm cho người bệnh mệt mỏi, thậm chí gầy còm, xanh xao. Sau đây, chúng tôi xin chia sẻ cùng các bạn những thông tin về căn bệnh rối loạn tiêu hóa và các phương pháp chữa trị cũng như những mẹo vặt để tránh căn bệnh "khó ở" này.

Rối loạn tiêu hóa là tình trạng không bình thường diễn ra ở đường tiêu hóa (từ miệng đến hậu môn). Người bệnh sẽ xuất hiện một số triệu chứng như nôn, buồn nôn; đau bụng có khi âm ỷ, có khi từng cơn, có khi lại đau quặn, đi lỏng; phân lúc nhão, lúc rắn; bí trung tiện, bí đại tiện...

Mọi lứa tuổi đều có thể bị rối loạn tiêu hóa và tình trạng rối loạn tiêu hóa ở mỗi cá thể thường không giống nhau.

Rối loạn tiêu hóa không phải bệnh lý

Trong cuộc sống hàng ngày có nhiều trường hợp rối loạn tiêu hóa nhưng không phải bệnh lý, ví dụ như đối với trẻ do ăn chế độ không phù hợp làm cho tiêu hóa không bình thường, biểu hiện là phân nát, có bọt, màu hoa cà hoa cải, mùi tanh...

Nhiều trường hợp do mắc bệnh nhiễm khuẩn nào đó phải dùng kháng sinh nhưng người bệnh không tuân thủ chỉ định của thầy thuốc, dùng không đúng liều lượng hoặc dùng kháng sinh không đúng chỉ định làm cho mất cân bằng hệ sinh thái vi sinh vật ở đường ruột, xuất hiện đi đại tiện thấy phân lúc lỏng, lúc đặc, lúc nhão, có mùi tanh, hôi; kèm theo phân bị thay đổi cả về số lượng lẫn mùi, màu sắc và tính chất, đồng thời có thể xuất hiện những cơn đau bụng không thường xuyên. Hiện tượng làm mất cân bằng hệ sinh thái vi sinh vật ở ruột được gọi là "loạn khuẩn". Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý của một số người, nhất là hiện tượng tự mua thuốc để điều trị bệnh cho mình hoặc người nhà của mình rất dễ dẫn đến "loạn khuẩn".

Muốn biết có phải bị loạn khuẩn đường tiêu hóa hay không cần xét nghiệm phân. Khi có kết quả đánh giá bị "loạn khuẩn" của phòng xét nghiệm vi sinh y học thì người bác sĩ khám bệnh sẽ có phương pháp để điều chỉnh sự "loạn khuẩn" đó. Hoặc trường hợp phụ nữ nghén khi mang thai nhưng cũng có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như không muốn ăn, nôn, buồn nôn, ọe.

Rối loạn tiêu hóa do bệnh lý

Hiện tượng ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, nôn, buồn nôn, ọe, đi lỏng hoặc táo bón, đau bụng âm ỉ hoặc đau từng cơn... là những biểu hiện cơ bản của rối loạn tiêu hóa thường gặp trong một số bệnh lý. Tuy nhiên tùy theo từng loại bệnh mà triệu chứng xuất hiện có khác nhau không nhất thiết có đầy đủ các triệu chứng, có khi chỉ có một hoặc hai triệu chứng cũng có thể gọi là rối loạn tiêu hóa. Hội chứng dạ dày, tá tràng (viêm hoặc loét) đau khi đói hoặc sau ăn, hoặc đau theo chu kỳ kèm theo đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn hoặc nôn (trong trường hợp hẹp môn vị, u dạ dày thì nôn nhiều hơn).

Viêm ruột thừa cấp tính thường có đau bụng âm ỉ hoặc từng cơn, hay gặp nhất là đau ở vùng hố chậu phải kèm theo buồn nôn hoặc nôn, bí trung, đại tiện. Có những bệnh nhân bị sỏi đường tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang) ngoài đau bụng âm ỉ hoặc quằn quại, đau xuyên ra sau lưng thì đầy hơi trướng bụng, buồn nôn, nôn cũng có thể xuất hiện. Một số bệnh gây viêm ruột cấp tính cũng có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa rầm rộ như đau bụng, buồn nôn, nôn, đi lỏng nhiều lần như bệnh tả, bệnh thương hàn, bệnh lỵ trực khuẩn, bệnh ngộ độc thực phẩm... Viêm đại tràng co thắt thì có những biểu hiện của rối loạn tiêu hóa có phần khác với viêm ruột cấp tính... Có một số cơ quan ngoài đường tiêu hóa nhưng khi bị bệnh cũng có một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa như bệnh thiểu năng tuần hoàn não, bệnh rối loạn ốc tiền đình (cũng có triệu chứng buồn nôn, nôn).

Khi bị rối loạn tiêu hóa, nên làm gì?

Vì rối loạn tiêu hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau và có từng mức độ khác nhau ở mỗi người, bạn cần đi khám bệnh để có hướng điều trị tốt nhất.

Ngoài ra, bạn có thể hạn chế các sự cố rối loạn tiêu hóa theo những cách rất đơn giản như: không ăn quá no hoặc ăn quá nhiều loại thức ăn trong một bữa, hạn chế các thức uống chứa độ cồn cao, các loại nước ngọt , nước có gas, cà phê... Bên cạnh đó, một chế độ ăn hợp lý, giờ giấc sinh hoạt điều độ và ăn nhiều các loại rau củ quả cũng góp phần hạn chế những "sự cố" này.

Khi đã mắc bệnh rối loạn tiêu hóa, bạn cũng có thể sử dụng các vị thuốc Đông y cổ truyền để chữa trị rất tốt cho tiêu hóa và sức khỏe.

Tác giả : O2TV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét