Cách tập thở và dụng cụ cần thiết trong khi tập:
Chúng ta cần một máy đo áp huyết (hiệu microlife tiện lợi hơn), một cây đèn cầy (nến).
Quý vị ngồi vào bàn, đặt đèn cầy được thắp sáng, cách 60 cm. Dùng máy đo áp huyết bên tay trái, đo áp huyết trước khi tập thở (thí dụ áp huyết đo được 185/120 mmHg). Tắt máy và giữ nguyên máy đo ở tay. Hai tay đặt trên bàn tự nhiên, người ngồi trong tư thế thoải mái. Tưởng tượng cây đèn cầy đang cắm trên bánh sinh nhật trong một bữa tiệc mà mọi người khách đang ngồi xung quanh. Chúng ta thở hơi ra đều đặn, đủ để thổi cho ngọn lửa đèn cầy lung lay liên tục như gặp gió nhưng không tắt và tập hơi thở làm sao không cố sức, bụng không gò cứng, không nâng ngực, nâng vai, nhất là không cho mọi người biết là mình đang thổi ngọn đèn cầy. Khi thổi vào ngọn đèn cầy khoảng 6-10 hơi, thì bắt đầu bấm máy đo áp huyết, rồi vẫn tiếp tục thổi hơi ra đều đều cho đến khi máy ngưng, xem áp huyết xuống được bao nhiêu, nếu thở đúng, áp huyết sẽ xuống ngay (thí dụ 120/70 mmHg), thở chưa đúng lắm, áp huyết xuống chậm (thí dụ 170/100 mmHg hoặc 160/100 mmHg) .
Nếu cứ tiếp tục thở như trên, có thể áp huyết xuống thấp nhất dưới 100/60 mmHg, nhưng có một điều lạ, chỉ hơi choáng váng, rồi không cần tập thở nữa, đo lại áp huyết sẽ giữ ở mức trung bình, thí dụ như 120/75 mmHg chẳng hạn, nó không bị nguy hiểm giống như trường hợp uống thuốc bị tụt áp huyết làm mệt, chóng mặt xây xẩm.
Tập thở theo phương pháp Khí công y đạo. Ảnh: IT
Đã có người hỏi tôi rằng, áp huyết được ổn định bao lâu, nếu không uống thuốc áp huyết lên lại thì sao ? Để tránh tình trạng áp huyết lên trở lại, chúng ta không cần phải tập một ngày 2-3 lần với máy đo, với đèn cầy nữa, mà khi đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, thay vì khi vui vẻ, chúng ta huýt sáo, thì chúng ta tập thổi hơi ra suốt ngày, đó là cách tập thở khí công, chứ không cần phải đợi khi áp huyết lên cao mới tập thở. Được như thế, áp huyết lúc nào cũng ổn định, tránh được bệnh căng thẳng thần kinh (stress), nhức đầu, chóng mặt, đi lảo đảo, đau nhức chân tay, đau cổ gáy vai, mất ngủ, ăn uống không tiêu, táo bón. Cuối cùng, cũng xin quý vị nên tham khảo với bác sĩ gia đình của mình để xem có cần uống thuốc hay thay đổi liều thuốc để tránh bị phản ứng phụ của thuốc.
Nguồn gốc của phương pháp làm hạ áp huyết sau 5 phút, được rút ra từ kinh nghiệm văn hóa cổ truyền Việt Nam.
Khi những người dân quê thổi bếp lửa để nấu cơm, họ nhóm lửa và thổi lửa làm sao cho ngọn lửa mau cháy nhanh và thổi 20-30 hơi không bị mệt, đó chính là cách làm hạ áp huyết, cho nên họ không bao giờ bị bệnh cao áp huyết. Nếu quý vị không biết tập thổi ngọn đèn cầy, quý vị thử thổi mạnh 20-30 hơi như những người thổi bếp lửa thì áp huyết cũng xuống dưới mức bình thường ngay, nhưng sau đó nhịp tim sẽ đập rất mạnh trên 100, xuất mồ hôi trán và xây xẩm, còn tập thở khí công là một phương pháp luyện hơi thở nhẹ nhàng đều đặn, tăng cường sức khỏe, tăng hồng cầu và sức đề kháng của cơ thể.
Đây là một món qùa của Khí công y đạo Việt Nam dành cho người bị bệnh cao huyết áp trên toàn thế giới, chúc quý vị tập luyện có kết quả, và không còn sợ hãi bị bệnh cao áp huyết nữa.
Thực đơn cho người bị cao huyết áp
Khi bị cao huyết áp, ngoài thuốc ra, việc lựa chọn và duy trì một chế độ ăn uống khôn ngoan và thích hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề tuân thủ những nguyên tắc chung như ăn nhạt, hạn chế mỡ động vật, kiêng các chất kích thích, người bệnh tỏ ra lúng túng khi chọn các đồ ăn thức uống hằng ngày.
Một số thực phẩm thích hợp và có lợi cho việc phòng chống cao huyết áp.
Cần tây: Có tên khoa học là Apium graveolens L., dùng thứ càng tươi càng tốt, rửa thật sạch, giã nát rồi ép lấy nước (nếu có máy ép thì càng tốt), chế thêm một chút mật ong, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 40ml. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, nước ép cần tây có tác dụng làm giãn mạch, lợi niệu và hạ huyết áp. Cần chú ý tránh nhầm lẫn với loại cần ta thường dùng làm rau ăn hàng ngày, có tên khoa học là Oenanthe stolinefera Wall.
Cải cúc: Là loại rau thông dụng, có hương thơm đặc biệt, chứa nhiều a-xít a-min và tinh dầu, có tác dụng làm thanh sáng đầu óc và giảm áp. Nên dùng làm rau ăn hằng ngày hoặc ép lấy nước cốt uống, mỗi ngày chừng 50ml, chia 2 lần sáng, chiều. Đặc biệt thích hợp với những người bị cao huyết áp có kèm theo đau và nặng đầu.
Rau muống: Còn gọi là ung thái, không tâm thái, đằng đằng thái..., chứa nhiều canxi, rất có lợi cho việc duy trì áp lực thẩm thấu của thành mạch và huyết áp trong giới hạn bình thường, là thứ rau đặc biệt thích hợp cho những người bị cao huyết áp có kèm theo triệu chứng đau đầu.
Măng lau: Có công dụng hoạt huyết, thông tràng vị, khai hung cách (làm thoải mái lồng ngực) và chống phiền khát. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, măng lau có khả năng tiêu trừ mệt mỏi, tăng cường thể lực, làm giãn mạch, cường tim, lợi niệu, giảm áp và phòng chống ung thư, là thức ăn rất thích hợp cho người bị cao huyết áp và xơ vữa động mạch.
Cà chua: Có công dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết bình can và giáng áp. Là thực phẩm rất giàu vi-ta-min C và P, nếu ăn thường xuyên mỗi ngày 1- 2 quả cà chua sống sẽ có khả năng phòng chống cao huyết áp rất tốt, đặc biệt là khi có biến chứng xuất huyết đáy mắt.
Cà: Đặc biệt cà tím là thực phẩm rất giàu vi-ta-min P, giúp cho thành mạch máu được mềm mại, dự phòng tích cực tình trạng rối loạn vi tuần hoàn hay gặp ở những người bị cao huyết áp và các bệnh lí tim mạch khác.
Cà rốt: Có tác dụng làm mềm thành mạch, điều chỉnh rối loạn li-pít máu và ổn định huyết áp. Nên dùng dạng tươi, rửa sạch, ép lấy nước uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần chừng 50ml. Đây là thứ nước giải khát đặc biệt tốt cho những người bị cao huyết áp có kèm theo tình trạng đau đầu, chóng mặt.
Hành tây: Trong thành phần không chứa chất béo, có khả năng làm giảm sức cản ngoại vi, đối kháng với tác dụng làm tăng huyết áp của Catecholamine, duy trì sự ổn định của quá trình bài tiết muối nat-ri trong cơ thể nên làm giảm huyết áp. Ngoài ra, vỏ hành tây còn chứa nhiều ru-tin rất có lợi cho việc làm vững bền thành mạch, dự phòng tai biến xuất huyết não.
Nấm hương và nấm rơm: Là những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhưng lại có khả năng phòng chống xơ vữa động mạch và hạ huyết áp, rất thích hợp cho những người bị cao huyết áp vào mùa Hè Thu.
Mộc nhĩ: Mộc nhĩ đen hay mộc nhĩ trắng đều là những thực phẩm rất có lợi cho người bị cao huyết áp. Hằng ngày có thể dùng mộc nhĩ trắng 10g hoặc mộc nhĩ đen 6g, đem nấu nhừ rồi chế thêm 10g đường phèn ăn trong ngày. Khi có biến chứng xuất huyết đáy mắt thì đây là loại thức ăn lí tưởng.
Tỏi: Có công dụng hạ mỡ máu và hạ huyết áp. Hằng ngày nếu kiên trì ăn đều đặn 2 tép tỏi sống hoặc đã ngâm giấm, hay uống 5ml giấm ngâm tỏi thì có thể duy trì huyết áp ổn định ở mức bình thường.
Lạc: Có công dụng hạ mỡ máu và giáng áp. Kinh nghiệm dân gian Trung Quốc dùng lạc ngâm với giấm ăn, sau chừng 5 ngày thì dùng được, mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 10 hạt.
Hải tảo, hải đới và tảo đỏ: Đều là những thực phẩm ở biển, có công dụng phòng chống xơ vữa động mạch và hạ huyết áp. Có thể dùng phối hợp cả ba thứ cùng một lúc hoặc thay thế nhau.
Đậu Hà Lan và đậu xanh: Là hai loại thực phẩm rất có lợi cho người bị cao huyết áp. Hằng ngày nên dùng giá đậu Hà Lan một nắm rửa sạch rồi ép lấy nước uống hoặc dùng làm rau ăn thường xuyên. Kinh nghiệm dân gian thường dùng đậu xanh hầm với hải đới ăn hoặc đậu xanh và vừng đen sao thơm, tán bột ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 50g để phòng chống cao huyết áp.
Sữa đậu nành: Là đồ uống lí tưởng cho người bị cao huyết áp, có công dụng phòng chống xơ vữa động mạch, điều chỉnh rối loạn li-pít máu và giáng áp. Mỗi ngày nên dùng 1.000ml sữa đậu nành pha với 100g đường trắng, chia uống vài lần trong ngày.
Táo: Loại táo to nhập từ Trung Quốc và các nước châu Âu, chứa nhiều Kali có thể kết hợp với lượng nát-ri dư thừa để đào thải ra bên ngoài, giúp cho cơ thể duy trì huyết áp ở mức bình thường. Mỗi ngày nên ăn 3 quả hoặc ép lấy nước uống 3 lần, mỗi lần chừng 50ml.
Lê: Có công dụng thanh nhiệt, trấn tĩnh và giáng áp, rất có lợi cho những người bị cao huyết áp có kèm theo chứng đau đầu, chóng mặt, ù tai, hay hồi hộp trống ngực. Mỗi ngày nên ăn đều đặn từ 1- 2 quả hoặc ép lấy nước cốt uống.
Chuối tiêu: Có công dụng thanh nhiệt, lợi niệu, thông tiện và giáng áp. Mỗi ngày nên ăn từ 1-2 quả, hoặc dùng vỏ quả chuối tiêu tươi 30-60g sắc uống thay trà.
Dưa hấu: Rất thích hợp cho người bị cao huyết áp vào mùa Hè vì có tác dụng thanh nhiệt và lợi niệu khá tốt, từ đó giúp cho huyết áp được ổn định. Người ta còn dùng vỏ dưa hấu 12g và thảo quyết minh (hạt muồng) 12g sắc uống thay trà hằng ngày, hoặc ăn hạt dưa hấu mỗi ngày từ 9-15g để làm hạ huyết áp.
Dưa chuột: Chứa nhiều muối Ka-li, có tác dụng thanh nhiệt, giải thử, lợi niệu và giáng áp, rất thích hợp cho người bị cao huyết áp về mùa hè. Nên dùng dưới dạng ăn sống hoặc chế thành dưa góp nhưng chú ý không cho quá nhiều muối.
Nho: Rất tốt cho người bị cao huyết áp, kể cả nho tươi hoặc nho khô, vì trong thành phần có chứa nhiều muối Ka-li nên có công dụng giảm áp, lợi niệu và bù đắp lượng Ka-li mất đi do dùng các thuốc lợi tiểu Tây y.
Mã thầy: Mỗi ngày dùng 60-120g rửa sạch, ép lấy nước, chia uống 3 lần trong ngày hoặc dùng 120g sắc cùng với hải đới 60g và hải tảo 60g, uống thay trà trong ngày.
Ngoài ra, người bị cao huyết áp nên dùng một số thực phẩm khác như ngô (đặc biệt là trà râu ngô), vừng, hạt sen, ngó sen, củ cải, đậu tương, cải xanh, bắp cải, dầu thực vật, trà tâm sen, trà hoa hòe, trà thảo quyết minh, trà cúc hoa, trà bạch cúc, trà kỉ tử, mật ong... Không hoặc hạn chế dùng một số thực phẩm như lòng đỏ trứng, não động vật, gan dê, thịt chim sẻ, thịt dê, thịt chó, thận lợn, mỡ động vật, rượu trắng, dưa hoặc cà muối mặn, thuốc lá, cà-phê, trà đặc, hạt tiêu, ớt, gừng...
BS. Phạm Thị Tuyết Nhung
Chế độ ăn với người tăng huyết áp
Người tăng huyết áp cần chú ý đến chế độ ăn có ka-li cao, nát-tri thấp, ít năng lượng, li-pít thấp, cô-lét-xtê-rôn thấp và vi-ta-min phong phú.
Các loại đậu, ngô, khoai tây, khoai sọ, chuối tiêu chứa nhiều ka-li, ít nát-tri nên ưu tiên sử dụng. Ma-giê cũng có tác dụng giảm huyết áp, nên đưa vào bữa ăn các thức ăn có chứa ma-giê như giá đỗ, nấm hương, đậu khô và đậu tươi, rau giền, rau chân vịt, các loại hải sản. Ca-đi-mi là chất làm tăng huyết áp, trong khi kẽm giảm tác dụng của ca-đi-mi. Vì vậy nên tăng lượng thức ăn có tỉ lệ kẽm/ca-đi-mi cao. Nguồn thức ăn chứa nhiều kẽm là hải sản, thịt gia cầm (nói chung các loại thịt), trong đó hàu là hải sản có nhiều kẽm nhất (có khi đạt đến1g/kg). Thực vật chứa ít kẽm và bị hao tổn nhiều trong quá trình chế biến. Can-xi là chất hạn chế tác dụng của na-tri, nên đưa vào cơ thể số lượng thoả đáng. Nguồn can-xi là sữa và các chế phẩm từ sữa. Ngoài ra, các loại đậu, tôm nõn, vừng, rong biển cũng chứa nhiều can-xi.
Theo nghiên cứu mới đây prô-tê-in trong các loại cá có tác dụng giảm huyết áp và phòng ngừa đột quỵ. Prô-tê-in trong đậu nành cũng có tác dụng phòng đột guỵ. Vì vậy, người tăng huyết áp nên ăn cá, đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành. Prô-tê-in có nhiều trong thịt nhưng cần hạn chế ăn thịt chỉ nên dùng ở mức 1g/kg trọng lượng cơ thể là vừa. Người nặng 50 kg chỉ dùng nửa lạng thịt mỗi ngày và nên dùng thịt có mầu trắng (thịt gà, vịt...), bớt loại thịt mầu đỏ (thịt bò, trâu...). Ngoài ra, người tăng huyết áp nên tránh các loại thịt gia cầm non, các phủ tạng gia súc, gia cầm, tránh dùng các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, nước trà đặc. Cùng với việc điều chỉnh chể độ ăn uống thích hợp, người tăng huyết áp nên tăng cường vận động vừa sức. Vận động quá sức sẽ làm tim mệt. Người tăng huyết áp không nên tập những môn thể thao nặng như tập tạ, đi cầu thang, chỉ nên đi bộ hằng ngày và tham gia những môn thể dục nhẹ và tập thiền có tác dụng giảm huyết áp khá rõ rệt. người bị tăng huyết áp nên tham gia tập đều đặn sẽ duy trì huyết áp ổn định lâu dài.
BS. Phạm Bình
Theo nguoicaotuoi.org.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét