Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Chất tạo màu sặc sỡ trong kẹo gây hại cho trẻ

Hóa chất tạo màu trong đậu Jelly Belly, Ferrara, kẹo Pan Fire Blast Atomic và một số loại kẹo hình xoáy nhiều màu... được các nhà khoa học Anh khuyến cáo gây ra chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ.

Hai loại chất phụ gia nhân tạo đã được tìm thấy trong các sản phẩm này là tartrazine-E102 (màu vàng) và cochineal (màu đỏ).

Tartrazine là chất nhuộm màu vàng tổng hợp, dùng trong thực phẩm, đã bị cấm sử dụng ở nhiều nước (như Áo, Nauy) do nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, như gây phản ứng hen, phát ban, phá hủy ADN, tăng động giảm chú ý... Còn cochineal cũng được biết đến là một trong những chất nhuộm gây dị ứng.

Qua phân tích dữ liệu đo lượng chất phụ gia và theo dõi hành vi cũng như sự chú ý của nhóm trẻ từ 3 đến 9 tuổi, các nhà khoa học Đại học Southampton (Anh) cảnh báo rằng, chỉ cần cơ thể hấp thụ một trong các loại chất phụ gia tạo màu trên sẽ khiến trẻ có những biểu hiện hành vi lệch lạc và chứng tăng động giảm chú ý. Ảnh hưởng tiêu cực này được ví như tác hại của thuốc lá đến sức khỏe con người.

Bên cạnh đó, các sáng lập viên của nhóm hỗ trợ trẻ bị tăng động (Sally Bunday) cũng cung cấp bằng chứng khẳng định, chất phụ gia nhân tạo có thể khiến trẻ bị hoảng loạn, mất ngủ, khóc ròng hay la hét. Thậm chí có thể gây ra những phản ứng thể chất như khó thở, sốt phát ban ở trẻ em, ngay cả với người lớn nhạy cảm.

Không những vậy, trong khảo sát được công bố trên tạp chí tâm thần Anh, các nhà khoa học Đại học Cardiff còn cảnh báo, trẻ em ăn kẹo ngọt hàng ngày từ năm 10 tuổi cho thấy có nhiều biểu hiện gia tăng sự bốc đồng và hành vi bạo lực khi bước vào tuổi 30.

Đây là một cuộc nghiên cứu dài hạn trên gần 17.200 người bao gồm trẻ một tuần tuổi sinh ra tại Anh vào năm 1970 và người nhà của các em. Mục đích của nghiên cứu là để thu thập thông tin về sức khỏe, giáo dục, xã hội và hoàn cảnh kinh tế. Kết quả vừa được công bố.

Trong khi xem xét hồ sơ của những người tham gia, các nhà khoa học còn ghi nhận một kết quả ngẫu nhiên có đến 69% phạm nhân ở độ tuổi 34 bị tù vì hành vi bạo lực đều có thói quen ăn đồ ngọt hàng ngày khi còn nhỏ. Kết quả này đúng với các trường hợp ngay cả khi đặt trong mối tương quan với các yếu tố như: hoàn cảnh sống, môi trường nuôi dưỡng và giáo dục.

Từ những kết quả nghiên cứu trên, Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng kêu gọi các nhà sản xuất tự nguyện bỏ các phụ gia độc hại dùng cho việc tạo màu và bảo quản. Đồng thời yêu cầu các công ty phải in dòng chữ cảnh báo rủi ro do chất tạo màu gây ra trên các dòng sản phẩm của mình.

Tờ The Sun cho hay, ngay từ tháng 7/2008 khi mà các cuộc nghiên cứu về chất phụ gia độc hại được tiến hành và ghi nhận kết quả bước đầu, Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh (FSA) đã phát đi lời kêu gọi không sử dụng chất tạo màu nhân tạo trong các loại thực phẩm phổ biến như: kem, nước giải khát, cocktail, kẹo...

Ngoài ra các nhà khoa học nước này vẫn đang tiếp tục tiến hành đo hàm lượng chất sodium benzoate, một loại hóa chất bảo quản độc hại trong thức uống có gas. Chất này cũng được khuyến cáo là gây ra tăng động giảm chú ý ở trẻ.

Thi Trân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét