Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Kinh nghiệm đi xe máy

Bài 1. Tổ chức đi chơi xa bằng xe máy


1. Cách đi xe máy trên đường:

Tham gia giao thông không phải là trò đùa, mà liên quan đến tính mạng của bản thân mình cũng như người khác. An toàn là trên hết, không vì “cố một chút” hay vì thành tích mà lơ là trong chuyện điều khiển phương tiện giao thông

- Không chạy xe khi cơ thể buồn ngủ, mệt mỏi.

- Không chạy xe sau khi uống nhiều rượu/ bia. Các bạn khác trong đoàn nên nhắc nhở và kiên quyết trong việc này

- Không được chạy quá nhanh. Đi buổi tối, trời mưa, đường có đông dân cư, đường đèo quanh co, cua gắt, tốc độ tối đa không quá 40km/h. Mình đi chơi chứ không đi đua xe. Yếu tố an toàn đưa lên hàng đầu.

- Các ôm thấy xế chạy nhanh và cảm thấy không an tâm hãy kiên quyết góp ý kiến. Có thể xuống xe không đi hoặc đề nghị đổi người khác nếu xế không giảm tốc độ

- Không nên đi sang phần đường của xe ngược chiều, đặc biệt là trong những đoạn cong khuất tầm nhìn (đường núi rất hay có).

- Khi vào cua phải đảm bảo tốc độ sao cho luôn trong phần đường của mình, không được lấn vào vạch phân cách giữa đường. Khi cua không được cắt côn mà chạy đồng ga đồng tốc.

- Những đoạn đường bùn đất nhão, trơn trượt thì không nên quá tập trung đôi tay mà quên đi đôi chân, nghĩa là chân luôn trong tư thế có thể dang rộng để có thể tránh trượt lốp.

- Gặp đường xóc, ổ gà ổ voi phía trước nếu đang đi tốc độ khá nhanh thì từ từ giảm tốc độ, giữ vững tay lái và đi thẳng, tránh nghiêng xe.

- Quan sát kỹ các biển báo trên đường để chủ động chạy xe

- Khi vượt phải quan sát xe ngược chiều. Đặc biệt không được vượt ở những đoạn đường cong, hạn chế tầm nhìn

- Khi muốn tránh một cái gì đấy sang phía bên phải hoặc bên trái cũng nên quan sát xem đằng sau có xe nào không, nếu trường hợp không quan sát kịp nên giảm tốc độ (phanh lại) chứ đừng đánh tay lái đặc biệt là sang bên trái

- Thỉnh thoảng nhìn gương chiếu hậu xem có xe (xe tải, xe muốn vượt) ở đằng sau không.

- Đi ban đêm nếu là đường trường thì nên bật pha và phải đổi sang cốt thường xuyên (vì mỗi đèn có tầm chiếu và góc chiếu khác nhau đối với mỗi vật phía trước). Việc đổi pha cốt làm cho chúng ta tập trung hơn vào con đường và gây chú ý với người điều khiển phương tiện ngược chiều.

- Gặp ô tô con mà đèn sáng quá chiếu vào mặt mình thì không nên nhìn vào ánh đèn mà dựa vào đèn của ô tô mà căn đường cho mình. Không nên đi sát bên đường, vì bên đường hay có người đi xe đạp hoặc ôtô đỗ, hoặc đống cát, chói mắt không nhìn thấy. Tốt nhất là giảm tốc độ và cố gắng giữ thẳng hướng đi của mình. Có thể phát hiện ra xe ngược chiều ở khúc cua thông qua ánh đèn ban pha. Nên đổi cốt và nhấp nháy để báo cho phương tiện đốI diện.

- Những đoạn đang làm đường thì nên đi dò dẫm, vì rất hay có hố

Tóm lại, không đi tốc độ cao.

Chuyện đi xe là sự nghiệp của người đi xe nhất là ngưòi đi chơi bằng xe. Thế nên quan trọng là an toàn. Chuyện ai đi giỏi hơn ai, không thành vấn đề mà yếu tố an toàn đưa lên hàng đầu. Hãy biết có trách nhiệm với bản thân, với người ngồi sau mình và với những người tham gia giao thông khác.

2. Cách tổ chức đi xe:

- Tốt nhất là 4, 5 xe một nhóm, nếu đoàn đông thì nên chia ra, tuỳ theo mỗi đoàn. Mỗi nhóm nên có một người kinh nghiệm hoặc tìm hiểu kỹ cung đường dẫn đầu, và các thành viên khác không được vượt qua người này.

- Các thành viên trong nhóm nhỏ cố gắng bao quát được nhau, tránh bỏ nhau quá xa. Tuyệt đối không tự ý tách đoàn

- Người dẫn đoàn có trách nhiệm duy trì tốc độ vừa phải

- Đến ngã ba thì người dẫn đầu sẽ dừng lại và chỉ đường cho các xe tiếp theo. Người cuối cùng là người cầm đồ sửa xe.

- Mỗi xe nên cách nhau ít nhất 6-10 m, chẳng may nếu xe trước có bị ngã hoặc nổ lốp thì xe sau sẽ không cán phải

- Không được đi cạnh nhau (song song) vì sẽ rất khó tránh, hạn chế nói chuyện với xe khác khi đi đường.

- Tránh việc đi về ban đêm, tầm nhìn hạn chế nên không an toàn, lại dễ lạc đường.

- Tuyệt đối không đi khi cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi, buồn ngủ. Trưởng đoàn nên chặt chẽ vấn đề này, nếu thấy có thành viên như vậy cần bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Không vì cố một chút hay sợ gây ảnh hưởng đến đoàn mà lái xe trong điều kiện sức khoẻ không tốt.

- Trước khi đi mọi người nên nắm chắc cung đường một chút. Nghĩa là nhớ các thị trấn mình sẽ qua, đề phòng lạc nhóm thì biết điểm đến mà hỏi.

- Các nhóm nên chặt chẽ hơn một chút về thời gian, bản thân từng người một nên cố gắng thu xếp công việc cá nhân trong chuyến đi sao cho nhanh nhất để tránh ảnh hưởng tới đoàn

- Mỗi một xe nên có bản đồ (tờ photo có đánh dấu đường đi bằng bút đỏ) và lịch trình chi tiết, số ĐT của các thành viên, trưởng đoàn, người liên lạc tại HN để nắm thông tin và chủ động nhất với các tình huống bất trắc không như ý muốn.


3. Chuẩn bị Xe cộ:

- Chuẩn bị chu đáo, nên kiểm tra và bảo dưỡng toàn bộ xe (mất khoảng 80K), thay dầu trước và sau khi đi, săm xe thủng 3 lỗ phải thay luôn, phải có gương, phanh phiếc phải ổn, không được sâu quá không được cứng quá.

- Các loại xe thông thường là tốt nhất, như Jupiter, Future, Wave…do các xe này bền, thông dụng rất dễ tìm chỗ sửa chữa, không nên đi xe quá cũ hơi yếu như Dream, Serius đời đầu, Vespa cổ, xe ga và các loại xe của Tàu do tính ổn định không cao.

- Đi Mink thì phiêu hơn nhưng đi Mink cần phải có hiểu biết nhất định về xe cộ, biết tự sửa xe và biết dong xe hê hê

- Xe tốt nhất để đi lên núi là cào cào do xe khoẻ, độ bền cao, tay lái ổn định và chắc chắn.

- Đi dọc đường nên đổ đầy xăng khi có thể vì không biết phía trước có cây xăng hay không.

4. Các chuẩn bị cho việc đi xe:

Do đặc trưng các chuyến đi bằng xe máy, ít cũng 200km, nhiều khoảng trên dưới 1000km, chuẩn bị tốt và kỹ càng là cách tốt nhất để chuyến đi thành công và an toàn.

- Mũ bảo hiểm: nhất thiết phải có, đơn giản là bảo vệ cho chính mình và cũng tránh phiền hà với CSGT, đội mũ tốt nhất nên mua loại có hàm, kính kín, đi sẽ đỡ bị gió bụi người lái không mệt mỏi và độ an toàn được nâng lên.

- Trong túi luôn có áo đi mưa, nhất thiết phải có, vì mưa có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên đường đi, đặc biệt vùng núi rất dễ có mưa cục bộ trong một khoảng núi mà rất to, không có chỗ trú. Mà nhớ là để áo mưa ở chỗ nào dễ lấy nhé, như gài vào dây buộc đồ, giỏ xe, hoặc balô có những ngăn nhỏ, chứ nếu để trong cốp xe, chằng buộc các thứ cẩn thận lên, khi mưa lấy xong áo mưa cũng ướt hết.

- Nên mang theo áo mưa phủ mặc cùng với quần mưa trong bộ quần áo mưa, như thế sẽ không bị ướt quần, ủng đi mưa thì có thể mua loại ủng mỏng bằng nilon có trong các siêu thị độ 4k một gói có 2 đôi, hoặc ủng đi mưa 30k của Rando, nên có một tấm áo mưa để phủ cho đồ phía sau

- Khi đi đường nên đi giày và mặc áo vải thô, sẽ làm giảm nguy cơ bị xây xát nếu ngã xe. Em thấy đi giày là rất cần thiết, hoặc là khi dừng xe tránh bị gai cắm vào chân, không nên đi giày cao gót và các loại dép. Mùa hè nên mặc áo pull bên trong và mặc áo thô bên ngoài, áo thô sẽ giúp cân bằng nhiệt của cơ thể. Tốt nhất là mua loại áo chuyên dụng cho đi xe máy, loại rẻ có bán ở Showroom Yamaha Hoà Mã, giá 130k một chiếc dành cho mùa hè, mùa đông có áo khá tốt bán tại của hàng của X120 Vincom giá khỏang 700k một bộ.

- Nên đi găng tay, theo em mua cái loại găng mà minh leo FXP là hay nhất, thoáng mà dày lại rẻ. Đi găng tay se đỡ mỏi tay hơn nhiều.

- Nên chằng buộc balô cẩn thận, thường là 2 người có 2 cái balô, một chiếc để ở giữa xe, một chiếc buộc sau xe, không nên đeo balo khi đi đường xa, làm giảm sức khoẻ của người đi xe, trừ túi máy ảnh và vật dụng tuỳ thân.

- Mang theo CMT, giấy tờ xe và bằng lái xe.

Theo nhunganhsaodem

Bài 2. Kinh nghiệm đi xe máy khi trời lạnh


- Khó khởi động, đi giật cục, tay phanh cứng, đó là những triệu chứng thường thấy của xe máy khi vận hành trong thời tiết lạnh. Tuy nhiên, nếu biết cách chăm sóc, xe máy sẽ trở lại vận hành mượt mà và ổn định.

Xe khó khởi động khi trời lạnh:

Khi nhiệt độ xuống thấp, không khí lạnh và khô làm giảm nhiệt độ trong buồng máy làm cho động cơ rất khó để khởi động vào buổi sáng. Để khắc phục hiện tượng này, việc đầu tiên bạn nên làm là không khởi động quá nhiều tránh tiêu hết điện trong bình ắc quy. Với các xe có cần đạp khởi động, nên đạp mồi để dầu bôi trơn xi-lanh và các chi tiết máy. Sau đó đối với các mẫu xe có cần kéo "le" gió, bạn chỉ cần gạt "le" sau đó khởi động.

Còn đối với các mẫu xe sử dụng "le" điều khiển điện, bạn nên mang tới những cửa hàng sửa chữa xe máy để điều chỉnh lại chế độ mở chậm hơn cho "le" điện. Thao tác này giúp cho lượng xăng khi vào buồng đốt đậm đặc hơn và không bị triệt tiêu nhiệt độ cháy bởi không khí lạnh khi cửa gió mở sớm.

Tuy nhiên, để chiếc xe có thể phục vụ bạn một cách ổn định và dễ khởi động hơn. Bạn nên mang xe đến các trung tâm bảo dưỡng mỗi năm 2 lần để thiết lập chế độ cho bình xăng con (chế hòa khí) vận hành theo mùa nóng và mùa lạnh. Giá cho một lần bảo dưỡng chế hòa khí ở khoảng từ 30 ngàn tới 60 ngàn đồng tùy thuộc vào loại chế hòa khí.

Xe bị "giật cục" khi mới vận hành:

Với những chiếc xe gắn máy, hiện tượng "giật cục" khi mới vận hành trong thời tiết lạnh là khá phổ biến. Hiện tượng này thường xảy ra khi động cơ vận hành trong tình trạng máy còn lạnh: nhiệt độ thấp làm giảm khả năng bôi trơn của dầu nhớt. Đồng thời làm nhiệt độ buồng đốt chưa đạt được độ nóng cần thiết. Và đây cùng là lúc mà độ hao mòn động cơ ở mức cao.
Chính vì vậy, mỗi buổi sáng sớm, bạn nên cho xe vận hành ở chế độ Garanti (nổ máy không tải) khoảng 1, 2 phút. Khi vặn tay ga thấy máy nổ mượt và đều, đó chính là lúc động cơ và dầu đã đạt được nhiệt độ cần thiết.

Tay phanh cứng và lạnh:

Thông thường, khi trời trở lạnh, không khí hanh khô thường xuất hiện, điều này làm khô dầu tay ga, tay phanh khiến cho việc sử dụng trở nên khó khăn và gây ra mất sự mất an toàn khi vận hành. Để xử lý hiện tượng này bạn nên kết hợp hai cách:

1. Khi di chuyển trong thời tiết lạnh giá, bạn không nên để dây phanh quá căng, bởi lúc này các ngón tay bị nhiễm không khí lạnh sẽ trở nên bị lạnh cóng và mất đi cảm giác phanh. Một đôi găng ấm áp và dây phanh hơi chùng sẽ là an toàn hơn cả.
Việc căn chỉnh dây phanh bạn có thể tự làm một cách khá dễ dàng với thao tác nới ốc giữ chốt phanh cho loại phanh tang trống (phanh đùm). Với loại phanh sử dụng dầu ép thủy lực (phanh dầu), bạn nên mang xe ra ngoài cửa hàng sửa chữa để nhờ đặt lại nấc bơm dầu.

2. Bảo dưỡng, tra dầu mỡ toàn bộ xe đều đặn. Xúc rửa và tra dầu mỡ mỗi khi thấy hiện tượng dây phanh và dây ga nặng hoặc kẹt.

Giá bảo dưỡng dây phanh, dây ga ở khoảng 20 ngàn tới 30 ngàn đồng tùy thuộc loại xe ga hay xe số.

Giữ ấm cho cơ thể khi vận hành:

Đi xe trong mùa lạnh, ngoài việc chăm sóc cho chiếc xe có được sự vận hành ổn định thì việc giữ cho cơ thể luôn ấm áp là điều quan trọng nhất.

Phải di chuyển trong thời tiết lạnh, một bộ quần áo kín gió và ấm áp là điều không thể thiếu. Thế nhưng bạn cũng nên lưu ý tới các vùng trên cơ thể như: mũi, cổ họng, bàn chân. Sử dụng găng tay và khẩu trang, khăn len đi kèm với mũ bảo hiểm có kính chắn gió luôn là sự chuẩn bị tốt nhất.

Một điều nhỏ cần lưu tâm, với thời tiết lạnh xe có gương chiếu hậu sẽ giúp bạn an toàn hơn vì với nhiều áo, mũ rất khó để quan sát tốt phía sau.

Và sẽ tốt hơn nữa nếu chiếc xe máy của bạn được lắp đặt thêm một chiếc kính chắn gió phía trước. Nó sẽ đảm bảo cho người vận hành và trẻ em khi ngồi trên xe tránh được những cơn gió mạnh và lạnh buốt xâm nhập. Giá của một chiếc kính chắn gió dao động từ 500 ngàn tới vài triệu đồng tùy thuộc vào loại xe và chất lượng kính khi chọn.

Theo Autopro

Bài 3. Đi xe máy trong đường ngập nước


Khi đi đường ngập nước nên về số 1 đi đều ga, khi đến chỗ ngập sâu phải tăng ga đều, không được giảm ga nếu có gặp chướng ngại vật thì nên đệm phanh.

Trong trường hợp xe bị chết máy mà nổ mãi ko được cách khắc phục như sau:

- Tháo xăng trong bình xăng con ra hết.

- Tháo bu gi lau bu gi sạch , cả tẩu bugi.

- Đạp máy vài lần cho nước trong xi lanh phun ra hết rồi lắp bugi lại.

- Đạp nổ máy và giữ cho động cơ nổ đều ( nếu tiếng nổ không đều nên kéo le gió - vì miếng mút ở cổ hút lọc gió đã ướt).

- Trong trường hợp xe liên tục đi hết đoạn ngập này đến đoạn ngập khác qua mỗi lần ngập sâu anh em nên tháo xăng trong bình xăng con ra do nước vào theo đường thông gió trên chế hòa khí và theo cổ hút vào buồng đốt (không nhiều).

Không nên đi xe ga gầm thấp vào chỗ ngập nước, do xe ga gầm thấp cổ hút thấp và quạt làm mát cũng thấp khi ngập nước rất dễ bị gãy cánh quạt và chết máy. Xe Sh, Ps, Dylan ... chạy được do cổ hút cao và quạt làm mát máy cao ngất.

Nguyễn Văn Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét