Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Thực phẩm hết hạn không hẳn “đồ bỏ đi”

Bạn thường xử trí thế nào với thực phẩm đã quá hạn sử dụng dù trông chúng vẫn còn khá ngon lành? Trong trường hợp này, đem vứt sọt rác là sự lựa chọn tối ưu của nhiều người vì chúng ta luôn quan niệm rằng đồ ăn tốt nhất phải dùng trước khi hết hạn sử dụng.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học, điều đó là quan niệm sai lầm và ước tính làm phung phí hàng năm hơn 8 triệu tấn thức ăn chỉ tính riêng ở nước Anh.


Thực ra, hạn sử dụng được quy định có 2 loại khác nhau: Hạn Use-by date (UB) dùng cho những sản phẩm tươi sống dễ hư hỏng như sữa, cá hay thịt và người dùng nên sử dụng chúng trước ngày này vì sau đó sản phẩm có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bán những sản phẩm quá hạn UB thuộc nhóm hành vi phạm pháp.

Hạn Best-before date (BB) thì được yêu cầu với các mặt hàng đóng hộp hay đồ khô và mức này để chỉ ngày cuối cùng mà sản phẩm vẫn đảm bảo đạt chất lượng tốt nhất. Còn sau đó, giá trị của sản phẩm sẽ giảm dần. Nếu bán đồ quá hạn sử dụng này thì vẫn không bị tính là phạm luật.

Mỗi nhà sản xuất có trách nhiệm phải đưa ra mức hạn UB và BB riêng dựa trên các nghiên cứu khoa học về thời gian vi khuẩn bắt đầu sinh sôi nảy nở rồi so sánh với các dữ liệu đã được công bố trên các sản phẩm tương tự. Mức an toàn của vi khuẩn trước khi chúng gây ra ngộ độc được thiết lập bởi Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu. Các công ty có thể bị phạt tới 5.000 Bảng Anh (khoảng 169 triệu VNĐ) cho hành vi vi phạm.

Một số loại thực phẩm còn được ghi chú thêm hạn bán (Sell-by date) cũng như hạn trưng bày (Display-by date), được dùng để khuyến cáo các nhà bán lẻ chứ không phải là thông tin dành cho khách hàng.

Theo Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm (FSA): “Người tiêu dùng hoàn toàn có thể ăn các thực phẩm đã quá hạn BB, chỉ là nó không còn giữ được hương vị thơm ngon nhất mà thôi.” Còn lại, chúng ta nên lưu tâm đến hạn UB hơn vì khi đó nó có thể gây ra ngộ độc thực phẩm, đặc biệt đối với trẻ em, người già và phụ nữ mang thai.

Vậy nếu hạn sử dụng mà lâu nay chúng ta vẫn tin tưởng không hoàn toàn chính xác thì căn cứ gì giúp xác định xem thực phẩm có an toàn hay không?

Sau đây là lời khuyên từ tiến sĩ Lisa Ackerley thuộc trường Đại học Salford về hạn sử dụng thực tế với một nhóm các thực phẩm cơ bản khác nhau được mua vào ngày 4/6. Qua đó, bạn sẽ thấy rõ được sự khác biệt và chênh lệch giữa hạn sử dụng ghi trên bao bì với chất lượng của sản phẩm trên thực tế. Một kinh nghiệm bổ ích và lý thú giúp bạn trong việc bảo quản sản phẩm và tiết kiệm ngân sách một cách hiệu quả nhất.

Cá cắt lát (Hạn UB 8/6 – Hạn thay thế: không có)

Cá tồn tại một vài loại vi khuẩn sống khá “dai” dù bạn có nấu chín đi nữa nên tốt nhất chúng ta nên tuân thủ theo những khuyến cáo về hạn UB trên sản phẩm. Một khi cá ngả màu tái, mềm oặt và có mùi tanh quá mức thì có nghĩa là cá đã không còn an toàn nữa rồi. Đây cũng là điều nên lưu ý với các loại hải sản khác.

Chuối (Hạn BB 6/6 – Hạn thay thế 20/6)

Đối với các loại hoa quả và rau củ thì không cần quan tâm lắm đến hạn BB. Chúng ta vẫn có thể ăn dù đã hết hạn khá lâu và các loại rau dù nhìn héo nhưng vẫn có thể sử dụng được. Chỉ riêng đối với khoai tây, một khi đã xuất hiện những vết màu xanh hay mọc mầm thì nên vứt đi ngay vì nguy cơ nhiễm độc là rất cao và đừng tiếc khi cố gọt bỏ những phần bị hỏng để sử dụng.

Mứt (Hạn BB là 3/2013 – Hạn thay thế là năm 2113)

Những thứ như mứt hay tương ớt có thể để lâu hơn rất nhiều lần hạn ghi trên bao bì. Với 1 hộp mứt để nguyên chưa mở thì có thể để đến hàng trăm năm. Hương vị có thể thay đổi sau 20 năm nhưng vẫn an toàn khi sử dụng. Còn khi đã mở, nếu thấy xuất hiện lớp mốc thì bạn thậm chí có thể bỏ lớp mốc đi thì phần dưới cũng vẫn ngon lành. Tuy nhiên, nếu nó đổi màu hay vỏ hộp bị thủng thì nên vứt ngay lập tức.

Tốt nhất là bạn không nên dùng dao trực tiếp để lấy mứt vì nó sẽ tạo điều kiện để nấm mốc phát triển nhanh hơn, thay vào đó nên dùng 1 chiếc thìa sạch. Cất giữ trong tủ lạnh cũng giúp bảo quản nó lâu hơn.

Gà (Hạn UB 10/6 – Hạn thay thế là 12/6)

Với gà tươi sống thì nếu thịt vẫn còn chắc và chưa có mùi thì có thể dùng sau khi hết hạn UB 2 ngày. Nhưng nếu nó bắt đầu chảy nước nhớt và có mùi khó chịu thì đó là gà đã hết đát rồi đó. Với gà đã qua sơ chế hay chế biến thì tuyệt đối không ăn khi hết hạn vì chất bảo quản sẽ giúp che giấu dấu hiệu hư hỏng 1 cách khéo léo.

Sữa chua (Hạn UB 17/6 – Hạn thay thế là khoảng 17 hoặc 25/7)

Sữa chua thường được dùng để bảo quản thịt tươi sống tại các quốc gia Trung Đông vì nó có tính axit nên có tác dụng ngăn ngừa rất tốt sự sinh sôi của vi khuẩn độc hại. Tuy nhiên, nó sẽ bị hỏng nếu bạn dùng dao hay ngón tay thọc vào. Nếu thấy sữa chua bị vữa sau một tuần hoặc hơn thì vẫn có thể ăn được còn nếu đã có vết mốc thì nên vứt đi là tốt nhất.

Bánh mì (Hạn BB 7/6 – Hạn thay thế là 14/6)

Bánh mì mới làm rất tươi nên dù các nhà sản xuất khuyến cáo hạn sử dụng là sau 3 ngày nhưng thật sự nó vẫn có thể ăn được sau đó 1 tuần dù là cứng và khô hơn. Nhưng nếu có mốc thì bạn nên vứt bỏ chúng ngay. Những mặt hàng bánh khác như bánh ngọt hay bánh quy cũng có thời hạn sử dụng lâu hơn rất nhiều. Chúng đều có chứa chất bảo quản và đường, giúp ngăn sự phát triển của vi khuẩn một cách hữu hiệu.

Cà chua (Hạn BB là 6/6 – Hạn thay thế 6/8)

Nếu quả cà chua vẫn còn chắc thì thật vô lý khi vứt nó đi chỉ sau 2 ngày. Thậm chí ngay cả khi nó bắt đầu nhũn thì vẫn có thể dùng để nấu và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi bảo quản trong tủ lạnh, nó còn có thể được ít nhất là hơn hai tháng sau.

Sữa (Hạn UB 15/6 – Hạn thay thế 17/6)

Nếu bạn để sữa trong tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 5 độ C và không thấy có các dấu hiệu như đổi màu, có mùi khó chịu và nếm thử thấy vẫn ngon thì có nghĩa là nó vẫn an toàn dù đã quá hạn sử dụng UB mấy ngày. Còn khi sữa bắt đầu bị vón cục và có mùi chua thì đừng chần chừ gì nữa mà hãy vứt ngay nó đi.

Phômai (Hạn UB 14/7 – Hạn thay thế 14/10 nếu chưa mở)

Bao bì của những sản phẩm loại này rất tốt nên thực sự rất an toàn. Với những loại phômai cứng như parmesan thì do nó rất chua và mặn nên hầu như vi khuẩn không có điều kiện để phát triển.

Với phômai cheddar thì ngay cả khi hết hạn cũng có thể để thêm chừng vài tuần còn nếu được bọc cẩn thận và để trong tủ lạnh thì dù để hơn tháng cũng vẫn ngon lành. Nếu thấy xuất hiện vết mốc mặc dù vẫn còn nhiều thì bạn có thể vớt vát bằng cách cắt bỏ đi ít nhất là khoảng 3 cm phần bị hỏng.

Các loại phômai mềm như brie thì nên tuân thủ theo hướng dẫn trên hạn sử dụng và luôn bảo quản trong tủ lạnh. Nếu bạn để nó ở bên ngoài quá 4 tiếng thì khi đó bạn đã đi tong một món ngon lành rồi đó.

Mỳ spaghetti (Hạn BB tháng 2/2013 – Hạn thay thế năm 2023)

Tất cả các loại đồ khô như đường, muối, bột mỳ, gạo hay mỳ ống có thể để hơn một năm dù đã quá hạn BB miễn là nó được bảo quản trong một chiếc hộp kín. Còn nếu bị ẩm thì chúng sẽ bắt đầu hư hỏng dần. Mỳ ống có thể chuyển sang màu trắng đục sau vài năm nhưng thực ra vẫn không ảnh hưởng gì.

Trứng (Hạn BB 12/6 – Hạn thay thế: Không có)

Nếu đập một quả trứng ra mà thấy có mùi chua và hôi thì có nghĩa là đó là trứng thối. Một mẹo nhận biết khác là bạn đặt nguyên quả trứng vào cốc nước và quan sát nếu thấy nó nổi thì không sao còn nếu chìm ngỉm thì đích thị là trứng đã bị hỏng. Hạn BB trên trứng cần phải được tuân thủ như hạn UB do nguy cơ nhiễm độc là rất cao.

Thịt bò (Hạn UB 7/6 – Hạn thay thế là 9/6)

Một khi đã bị cắt nhỏ ra để đóng gói đem bán, miếng thịt đã có thể bị nhiễm những vi khuẩn độc hại và hạn UB bắt đầu được tính từ lúc này. Nếu chưa mở và để trong tủ lạnh thì bạn vẫn có thể sử dụng dù đã quá hạn UB 2 ngày còn nếu miếng thịt đã ngả sang màu nâu thì có nghĩa là nó đang bắt đầu rữa ra và bị thối, tốt nhất là bạn nên vứt ngay đi.

Theo PLXH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét